Trồng người

Cách cha mẹ nói chuyện với con giúp ích rất lớn đối với khả năng giao tiếp và tự tin ở trẻ

Phạm Hoa - Việt Anh 29/12/2023 08:00

(GDTĐ) - Nói chuyện với con thường xuyên chính là cách cha mẹ duy trì sự gắn bó với con cái. Tuy nhiên, cha mẹ cần bắt đầu cuộc trò chuyện ra sao để con có thể mở lòng, thoải mái chia sẻ với cha mẹ những tâm tư của chúng!?

Lợi ích của việc thường xuyên nói chuyện với con

Trẻ em thường học thông qua việc bắt chước. Bằng cách trò chuyện với bố mẹ, trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng giao tiếp khác nhau: lắng nghe tích cực, hiểu các tín hiệu bằng lời nói và phi ngôn ngữ, như nét mặt, ngôn ngữ cơ thể… Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ học cách bày tỏ cảm xúc của mình và thể hiện sự đồng cảm với người khác.

Ngoài ra, bằng cách nói chuyện với con, bạn sẽ thúc đẩy sự phát triển nhận thức và thành tích học tập của trẻ. Chất lượng các cuộc thảo luận của bạn cũng rất quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy khi bố mẹ sử dụng vốn từ vựng phong phú, đặc biệt là trong lời nói hướng tới trẻ, con họ sẽ có kỹ năng xử lý ngôn ngữ tốt hơn về sau. Vốn từ vựng của con cũng thường nâng cao hơn.

Nếu bạn thể hiện sự quan tâm đến câu trả lời của con mình khi bắt đầu cuộc trò chuyện, sự tự tin và lòng tự trọng của con sẽ tăng cao. Cuối cùng, khi bạn thường xuyên nói chuyện với con, con sẽ đặt lòng tin và tình cảm vào bố mẹ nhiều hơn. Như vậy, bạn có thể sớm phát hiện ra các vấn đề mà con gặp phải, chẳng hạn như con bị bạo lực học đường. Từ đó bạn sẽ có thể can thiệp sớm và đúng cách.

noi-chuyen-voi-tre.png
Nói chuyện với con thường xuyên hơn chính là cách bố mẹ thêm gắn bó với con cái của mình cũng như giúp trẻ có thể tăng khả năng giao tiếp và sự tự tin

Làm thế nào để có cuộc trò chuyện chất lượng với con

Những câu hỏi không phải lúc nào cũng nhận được phản hồi từ trẻ. Hoặc trẻ cũng có thể chỉ trả lời đúng vào trọng tâm của vấn đề và sau đó lảng tránh đi nơi khác, không muốn trò chuyện cùng bố mẹ của mình. Để cho cuộc nói chuyện với con được chất lượng, kéo dài thời gian tâm sự giữa bố mẹ và con cái, bạn nên lưu ý:

Hãy là một người lắng nghe tích cực: Lắng nghe là một phần quan trọng của giao tiếp hiệu quả. Hãy thể hiện rằng bạn đang tích cực lắng nghe bằng cách gật đầu, đặt câu hỏi làm rõ và đưa ra các tín hiệu bằng lời nói cũng như phi ngôn ngữ cho thấy bạn đang tham gia vào cuộc trò chuyện. Ngoài ra, hãy cho con bạn cơ hội hình thành suy nghĩ và phản hồi.

Đặt những câu hỏi mở: Trong lúc nói chuyện với con, bạn nên khuyến khích con bạn thể hiện bản thân bằng cách đặt những câu hỏi mở, yêu cầu con trả lời nhiều hơn một câu trả lời đơn giản là “có” hoặc “không”. Ví dụ, thay vì hỏi “Con có một ngày học vui vẻ chứ?” bạn có thể hỏi, “Điều tuyệt vời nhất trong ngày ở trường của con là gì?”.

Đồng cảm với con: Hiểu và xác nhận cảm xúc của con đóng một vai trò quan trọng quyết định sự thành công của cuộc trò chuyện. Hãy cho con biết cảm xúc của con rất quan trọng và bạn có thể cảm thấy như vậy. Điều này giúp xây dựng niềm tin và kết nối giữa bố mẹ và con cái.

Đôi lúc, bố mẹ chỉ cần lắng nghe và không cần đưa ra giải pháp hoặc lời khuyên ngay lập tức. Việc đưa ra một giải pháp, đặc biệt là cho một thanh thiếu niên, khi họ có thể chỉ cần một chút thời gian để giải tỏa cảm xúc, có thể khiến việc chia sẻ bị dừng lại.

noi-chuyen-voi-tre-nho.png
Việc nói chuỵện với con hàng ngày phải bắt đầu từ rất sớm ngay từ khi lứa tuổi mầm non

Khai thác sở thích của con: Khi nói chuyện với con, bạn có thể khai thác sở thích của con bạn để duy trì cuộc trò chuyện kéo dài hơn, cho dù đó là cuốn sách, sở thích hay hoạt động mà con yêu thích. Bằng cách nói về những gì con yêu thích, con sẽ có nhiều khả năng cởi mở và tham gia vào cuộc trò chuyện hơn.

Hiểu tâm lý của con: Hãy nhớ rằng trẻ em không phải là những người lớn thu nhỏ. Vì vậy, khi nói chuyện với con hãy tiếp cận trẻ em theo cách thân thiện và phù hợp với tâm lý của con trong từng giai đoạn.

Chẳng hạn như tâm lý tuổi dậy thì thường khép kín hơn, ít muốn chia sẻ với bố mẹ hơn nên bạn có thể bắt đầu bằng cách đề cập đến thần tượng của con. Trong khi với trẻ nhỏ hơn, bạn có thể hỏi về 1 ngày đi học của con để bắt đầu cuộc trò chuyện.

Kể chuyện: Chia sẻ những giai thoại hoặc câu chuyện cá nhân liên quan đến chủ đề có thể khiến cuộc trò chuyện trở nên thú vị và dễ hiểu hơn. Trẻ em thường thích nghe về trải nghiệm của bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Và đây chính là bí quyết để bố mẹ nói chuyện với con. Ngoài ra, trước khi đặt câu hỏi, hãy chia sẻ một ví dụ phù hợp với lứa tuổi từ trải nghiệm của chính bạn.

Tôn trọng ranh giới của con: Đôi khi trẻ có thể không muốn nói chuyện hoặc cần thời gian ở một mình. Dù bạn có muốn nói chuyện với con nhưng cũng cần tôn trọng ranh giới của con và để con bắt đầu cuộc trò chuyện khi con sẵn sàng.

Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ là bản thể duy nhất. Do đó, khi nói chuyện với con, bạn cần điều chỉnh cách tiếp cận của mình sao cho phù hợp với độ tuổi, tính cách và sở thích của con. Điều quan trọng là tạo ra một môi trường nơi trẻ cảm thấy được tôn trọng và được lắng nghe, đồng thời các cuộc trò chuyện có thể là nguồn học hỏi, gắn kết niềm vui đối với trẻ.

Bài liên quan
7 hành vi khi nói chuyện của cha mẹ khiến con cái lớn lên không hiếu thảo
Giáo dục sai cách có thể làm quá trình hình thành nhân cách của trẻ bị sai lệch. Đến khi con cái trở nên ngỗ ngược, bất hiếu, nhiều cha mẹ mới muộn màng tự hỏi: "Tại sao lại thành như vậy?"

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách cha mẹ nói chuyện với con giúp ích rất lớn đối với khả năng giao tiếp và tự tin ở trẻ