Rượu bia là thứ đồ uống được dùng phổ biến, nhất là trong những dịp nghỉ lễ, liên hoan, gặp gỡ người thân, bạn bè. Tuy nhiên, uống nhiều, "quá chén" dễ bị say, thậm chí có thể dẫn đến tử vong do ngộ độc rượu. Trong trường hợp quá chén có biểu hiện say rượu nên biết cách xử trí phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
1. Nhận biết ngộ độc rượu
Uống rượu quá nhiều dễ bị say, ngộ độc rượu gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Đặc biệt, số lượng người bị ngộ độc rượu thường có xu hướng tăng trong những dịp nghỉ lễ. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu cấp tính nặng phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, suy thận…
Nguy hiểm hơn, người bị ngộ độc rượu do methanol có thể bị ảnh hưởng đến thần kinh, não, máu, tim mạch, huyết áp, thận… rất dễ dẫn đến tử vong.
Say rượu gây ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe.
Theo ThS.BS. Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện E, say rượu gây ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe vì rượu tác động đến hệ thần kinh, làm mất kiểm soát vận động, hành vi, lời nói… Người bị say rượu thường có biểu hiện: Chếnh choáng, nói líu lưỡi, phối hợp vận động cơ thể kém, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn… Do khả năng phối hợp vận động bị mất kiểm soát nên người say rượu rất dễ bị ngã, bị cảm, hạ đường huyết… Vì vậy, người xung quanh cần biết cách xử trí đúng.
2. Xử trí đúng cách khi say rượu
2.1 Uống nhiều nước giúp giải rượu nhanh hơn
TS.BS Trương Hồng Sơn,Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết uống nhiều nước là cách giải rượu đơn giản, dễ thực hiện. Trong đó, uống nước lọc sẽ giúp bù đắp lượng nước đã mất, đồng thời pha loãng nồng độ cồn trong máu giúp đỡ say hơn.
Khi quá chén, có thể uống nước gừng hoặc trà gừng để giải rượu. Gừng có vị nóng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm một thìa nhỏ mật ong để giúp hấp thụ nhanh hơn. Tuy nhiên, người mắc bệnh dạ dày không nên sử dụng nước gừng hoặc trà gừng vì tính cay nóng của gừng có thể khiến triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
Uống sữa hay nước cháo, nước cơm khi say rượu giúp bổ sung nước và điện giải, giải rượu, giảm buồn nôn và phòng tránh hạ đường huyết.
Ngoài ra, uống nước dừa tươi cũng là một biện pháp giải rượu hiệu quả. Nước dừa tươi không chỉ là một loại nước giải khát mà còn có chứa natri, kali và một số khoáng chất quan trọng khác có tác dụng như một loại nước điện giải tự nhiên giúp người say rượu bù nước, điện giải và nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo.
Nước đậu xanh hoặc đậu đen giúp cơ thể tỉnh táo, giảm mệt mỏi khi bị say rượu do các loại đậu thường có vị ngọt, tính hàn, không độc, giúp thanh nhiệt, giải độc tố tốt.
Cách làm rất đơn giản, ninh nhừ một ít đậu đen hoặc đậu xanh rồi chắt lấy nước uống. Dùng nước đậu hoặc ăn cả cái để giải rượu.
Không nên sử dụng những đồ uống có ga hoặc nước soda vì những đồ uống này sẽ làm hàm lượng carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, làm tăng nguy cơ ngộ độc.
Không sử dụng trà/cà phê sau khi say vì caffeine trong hai loại đồ uống này sẽ ức chế thần kinh, càng gây mệt mỏi đối với người say rượu. Ngoài ra, cà phê còn làm cơ thể mất nhiều nước hơn, trong khi rượu đã làm cơ thể thiếu nước. Trà khiến thận làm việc vất vả hơn, do phải đào thải lượng trà và rượu trong cơ thể.
Không sử dụng trà và cà phê sau khi say vì caffeine trong hai loại đồ uống này gây ức chế thần kinh.
2.2 Ăn cháo, soup
Khi say rượu, nên cho người say rượu ăn các đồ ăn loãng, nóng như cháo trắng ( hoặc có thể kết hợp với đậu xanh). Đây là một món ăn dễ chế biến, dễ ăn và dễ hấp thụ rất phù hợp với người bị say rượu. Thêm nữa, trong gạo cũng chứa carbon, có khả năng hấp thu cồn trong rượu, giúp người say rượu nhanh tỉnh táo.
Trứng: Khi uống rượu, cơ thể mất nhiều vitamin B. Một quả trứng có thể cung cấp 33% nhu cầu vitamin B12 của cơ thể để phục hồi sức khỏe sau khi uống rượu.
Trứng chứa một lượng lớn cysteine, giúp thải độc tố như ammonia và mangan trong cơ thể. Lòng đỏ trứng có nhiều chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D, sản sinh ra acetylcholine tốt cho não, tránh được tình trạng mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Bánh mì chứa một lượng lớn carbon có tác dụng như một bộ lọc trong cơ thể, giúp hấp thụ chất cồn, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng say rượu. Bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt còn chứa rất nhiều vitamin B1 giúp hạn chế triệu chứng nôn nao.
3. Không uống rượu trôi nổi để phòng ngộ độc
Do có giá thành rẻ nên các loại rượu không đảm bảo chất lượng, được pha từ cồn công nghiệp được bán nhiều ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Thực tế, dịp cuối năm và đầu xuân năm mới, các bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu chủ yếu do uống phải rượu công nghiệp thường có hàm lượng methanol cao.
Nếu bệnh nhân thấy mờ mắt, mệt mỏi, thở nhanh, chậm chạp, thậm chí hôn mê, có thể có nôn ọe thì lúc này đã là giai đoạn muộn khi bị ngộ độc. Do đó, nếu cảm thấy bất thường, mệt mỏi nhiều thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra ngay không nên tự điều trị ở nhà.
Để hạn chế mua phải rượu công nghiệp, mọi người không nên mua rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường.