Tuy nhiên, cải tiến này của Nguyễn Công Hãng gặp khó khăn khi thi hành, vì đến năm 1732 đời Vĩnh Khánh đế (tức vua Lê Đế Duy Phường), “Tục biên” chép rằng: “Người học thường ngại vì thể ấy khó. Đến dịp Công Hãng bị cắt chức, việc ấy chưa kịp thi hành mà bãi đi”.
Theo bộ sử thời Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, cũng cho biết thêm là khi Nguyễn Công Hãng thay đổi thể lệ thi cử, học trò đã có ý oán trách. Đến khi ông bị mất ngôi tham tụng, việc này chưa kịp thi hành đã bãi bỏ.
Tuy nhiên, dù phế truất ngôi tham tụng của Nguyễn Công Hãng (do nghi ngờ vị quan này từng không muốn lập mình lên ngôi chúa), chúa Trịnh Giang vẫn tiếp tục tiến hành cải cách thi cử và tỏ ra rất tôn sùng học sách kinh điển.
Năm đó, chúa ra chỉ dụ bàn rằng: Sách vở thánh hiền là ông tổ của văn chương. Gần đây sĩ tử chỉ học theo lối học thuộc lòng, người đọc sách Kinh, Truyện chỉ sưu tầm tiểu chú (những câu nhỏ nhặt) mà phần nhiều bỏ sót chính văn.
Người đọc sách Sử chỉ đọc các sách ngoài mà bỏ quên sách “Tư trị thông giám cương mục” (bộ sử do Tư Mã Quang đời Tống soạn). Học thuật sơ lược, lỗ mỗ, cần phải ra sức chấn chỉnh để thay đổi tập tục của kẻ sĩ. Chúa bèn ra lệnh sức cho người đi học từ nay sách Kinh, Truyện phải học về chính văn, còn như tập chú, tiểu chú thì chỉ chọn lấy phần tinh túy. Các sách “Tư trị thông giám cương mục”, “Tả truyện” cần phải đọc kỹ”.
Theo “Đại Việt sử ký tục biên” thì: “Việc học của Nho gia (nước ta) mới bắt đầu thống nhất”.
Ngoài ra, năm 1733, triều đình tổ chức kỳ thi thơ ứng chế. Lệ cũ, tiến sĩ sau khi vinh quy lại đến kinh, vua triệu vào để thi thơ ngũ ngôn ở điện Vạn Thọ, ai hợp cách thì ban cho sa, thăng cấp, gọi là ứng chế. Năm 1724 lệ thi này bị bãi bỏ, đến năm 1733 lại cho khôi phục.
Năm 1734, tháng Giêng, triều đình cho khắc in sách Ngũ kinh ban bố cho thiên hạ, chúa Trịnh Giang thân làm bài tựa. Khi khắc in xong, chúa sai chứa ván in ở nhà Quốc học.
Tuy nhiên, việc thi cử thời chúa Trịnh Giang bị dư luận chê trách khi vào kỳ thi Đình năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), đời vua Lê Ý Tông, lấy Trịnh Tuệ làm Trạng nguyên, vì ông này dù có tiếng học giỏi nhưng là họ hàng nhà chúa.