Trường ĐH Hà Nội khen thưởng sinh viên đoạt giải Nhất NCKH năm 2023. Ảnh: TG |
Lý giải và đưa ra giải pháp tháo gỡ rào cản tâm lý này của sinh viên, PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: Chương trình phổ thông vẫn nặng về ghi chép lý thuyết, thiếu tính thực hành thực tế, thiếu điều kiện để học sinh sáng tạo.
Vì vậy, học trò thiếu cơ hội tiếp cận và kỹ năng để tham gia nghiên cứu. Chính hạn chế này dẫn đến tâm lý chung cho rằng vào đại học khó có thể làm việc lớn như NCKH được. Do đó, sinh viên cần thời gian để làm quen với nghiên cứu từ những việc rất nhỏ như làm đồ án môn học, tham gia các cuộc thi lập trình... dần hình thành thói quen để NCKH sau này.
Từ thực tế kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên NCKH, TS Nguyễn Vân Hà, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương cho rằng: Cần khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tham gia NCKH một cách bài bản và kiên trì.
Điều cần thiết đầu tiên là giúp các em hiểu lợi ích của việc này, tức là khi chúng ta làm việc nghiêm túc, cố gắng hoàn toàn có thể nghĩ tới kết quả khả quan. Trong đó, có 3 lợi ích chính khi tham gia NCKH, đó là kiến thức, kỹ năng và cơ hội sau tốt nghiệp. Khi thực hiện công trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức, hiểu biết về một lĩnh vực, chủ đề chuyên sâu cụ thể.
Còn với TS Lương Ngọc Minh, người luôn đau đáu với việc làm sao động viên sinh viên NCKH đã phải thốt lên: Các em hãy bớt “trà chanh chém gió”, dành thời gian NCKH sẽ gặt nhiều thành quả. Thời gian sẽ trôi rất nhanh nếu chỉ học 4 năm đại học và ra trường với hành trang là tấm bằng tốt nghiệp.
Nhưng nếu cùng với giảng viên NCKH, sinh viên sẽ có nhiều mối quan hệ, không những thầy cô của mình mà cả giảng viên ngoài trường, người cùng tham gia với nhóm nghiên cứu cùng với một bản hồ sơ cá nhân rất đẹp sẽ hấp dẫn nhà tuyển dụng hơn.
PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh cảm thấy vui khi nhìn thấy những tín hiệu tích cực trong Chương trình GDPT 2018, với nhiều hoạt động về STEM, các cuộc thi về khoa học kỹ thuật từ cấp trung học được tổ chức.
Theo PGS Phạm Tiết Khánh, đây là nền tảng, hành trang để các em phát triển việc nghiên cứu khi vào đại học. Như ở Trường Đại học Trà Vinh, sinh viên thường có tâm lý e ngại làm NCKH khá phổ biến.
Nhưng sau khi nắm được tâm tư tình cảm, không phải ngại khó, ngại khổ, mà các em thường nghĩ rằng khoa học là cái gì đó cao siêu, không dành cho mình. Khắc phục điều đó, các giảng viên nhà trường đã tích cực vận động trò tham gia, thể hiện tốt năng lực NCKH của mình.