Học viện thực hiện tốt cơ chế giám sát trên cơ sở Quy chế phối hợp công tác của Đảng ủy - Hội đồng Học viện - Giám đốc Học viện. Hội đồng Học viện quyết định chiến lược, định hướng phát triển, kế hoạch dài hạn, trung hạn của Học viện; giao Giám đốc căn cứ thực tiễn để chủ động tổ chức thực hiện tất cả các lĩnh vực công tác của Học viện.
Hội nghị thúc đẩy triển khai thực hiện Dự án SAHEP-VNUA và quy hoạch tổng thể cảnh quan Học viện Nông nghiệp Việt Nam. |
- Vậy kết quả trong từng nội dung tự chủ ra sao, Học viện có khó khăn gì không khi triển khai những nội dung này?
Trước hết, về tự chủ trong tổ chức bộ máy, nhân sự: Học viện đã cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Học viện thông qua quy chế tổ chức và hoạt động. Quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị thuộc Học viện nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Cùng với đó, làm tốt công tác định biên nhân sự và vị trí việc làm. Công tác tuyển dụng luôn bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, đúng pháp luật; bảo đảm tính cạnh tranh và có tính đến các đối tượng ưu tiên theo quy định. Đã xây dựng được cơ chế giám sát thông qua thực hiện Nghị quyết của Hội đồng, quy chế thực hiện dân chủ, quy chế thu chi nội bộ, quy chế giám sát của giảng viên, cán bộ, viên chức và người học đối với mọi hoạt động của bộ máy lãnh đạo Học viện.
Tự chủ trong công tác đào tạo: Học viện công khai chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo thông qua đạt chuẩn, chuẩn giảng viên, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá học tập, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Chương trình đào tạo được đánh giá theo chuẩn mực quốc tế; công khai với xã hội và cung cấp cho người học đầy đủ thông tin về các ngành đào tạo mới mở. Phương án tuyển sinh phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ GD&ĐT và yêu cầu của xã hội; bảo đảm nghiêm túc, công khai, minh bạch, công bằng.
Phòng thực hành thực tập với thiết bị hiện đại được đầu tư từ Dự án SAHEP-VNUA góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. |
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Học viện đã tăng cường cả nghiên cứu cơ bản với số lượng bài báo quốc tế tăng đều hàng năm. Nghiên cứu tạo ra công nghệ mới (giống cây trồng, vật nuôi, quy trình công nghệ sản xuất nông nghiệp, tiến bộ kỹ thuật…), đồng thời chuyển giao công nghệ mới phục vụ đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bên cạnh đó, Học viện còn tham gia tư vấn chính sách về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cho các địa phương, vùng, quốc gia.
Học viện đồng thời đã tăng cường công tác tự chủ trong hợp tác đào tạo, trao đổi sinh viên, giới thiệu việc làm, nghiên cứu với đối tác quốc tế có uy tín trên thế giới, đẩy mạnh tỷ trọng trong các thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu.
Tự chủ trong công tác đầu tư, mua sắm, quản lý đất đai: Học viện đã tự chủ, chịu trách nhiệm trong lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất theo quy định của Nhà nước. Khai thác tối đa các tài sản đã đầu tư trên đất để kinh doanh dịch vụ, liên kết đào tạo, xây dựng phương án góp vốn, tài sản để liên doanh, liên kết đối với các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao của Học viện và theo quy định của pháp luật…
Với thực hiện tự chủ tài chính, Học viện đã cân đối thu - chi tài chính để đảm bảo ổn định, nâng cao thu nhập của cán bộ, viên chức theo tiến trình cải cách lương của Chính phủ, giảm gánh nặng cho Ngân sách nhà nước. Tăng nguồn lực tài chính để đầu tư và phát triển tổng thể Học viện. Bảo đảm quỹ học bổng ổn định cho các sinh viên giỏi, tài năng; cho các sinh viên thuộc diện chính sách và sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có điều kiện huy động các nguồn lực trong xã hội và phát huy được hiệu quả nguồn tài chính của Học viện.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ đại học, Học viện cũng gặp một số khó khăn, như: Thiếu hệ thống văn bản thống nhất hướng dẫn thực hiện thí điểm tự chủ; khung pháp lý chưa tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ dẫn đến chồng chéo, cản trở lẫn nhau; quyền tự chủ bị giới hạn bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác.
- Xin cảm ơn GS!