"Không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch nhà ở với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản" - ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) gay gắt, đồng thời nhấn mạnh việc ký hợp đồng mua bán bất động sản giữa người dân và doanh nghiệp mà không yêu cầu công chứng là chưa hợp lý.
ĐB Hoàn chỉ ra cơ chế cho phép ký hợp đồng mua bán bất động sản hoàn toàn riêng tư, không có tổ chức trung gian kiểm soát đã cho thấy có nhiều bất cập thời gian qua. Hàng ngàn người dân đã bị một số doanh nghiệp lừa đảo với nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra, gây tốn tiền bạc, thời gian, thậm chí khiến một số gia đình phải gánh nợ. Vì vậy, cần quy định theo hướng hợp đồng kinh doanh bất động sản nếu có một bên là cá nhân thì phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng.
Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng cần có một bên thứ ba đứng ra bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch, nhất là khi giao dịch có một bên là cá nhân và một bên là tổ chức kinh doanh thì cá nhân bao giờ cũng ở thế yếu hơn.
Nhà ở là mong ước của rất nhiều người lao động
ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại - dịch vụ của KCN để làm nhà lưu trú cho công nhân. Liên quan quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Đặc biệt, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho lĩnh vực này, không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng LĐLĐ Việt Nam.
"Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt sẽ tạo sự an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc" - ĐB Tuấn nói.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) nhắc thực tế nhiều công nhân ở KCN đang phải chịu cảnh "5 không": không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, không công trình y tế và không có điều kiện để sinh hoạt. ĐB Khải đề nghị giao cho Công đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên Công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các KCN được thuê.
Bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn
Tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch. Theo đó, nhà nước chỉ khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch này.