Căn bệnh di truyền cần truyền máu suốt đời

25/11/2022, 09:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việt Nam đang tiến tới giảm dần số trẻ em mắc bệnh tan máu bẩm sinh, phải truyền máu suốt đời.

Tại Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2022 diễn ra ngày 24/11, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, công tác vận động, tổ chức hiến máu đã đứng trước những thử thách rất lớn, có những thời điểm đe dọa nghiêm trọng đến việc đảm bảo nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị.

Trước tình hình đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xác định cần đảm bảo việc tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A. Đó là An toàn cho người hiến máu, An toàn cho người bệnh nhận máu và An toàn cho nhân viên y tế.

Căn bệnh di truyền cần truyền máu suốt đời - 1

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh: “Trong những năm vừa qua, ngành Huyết học – Truyền máu đã có những bước tiến rất nhanh, hiện nay chúng đã đã làm được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện như điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân, có những chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc các bệnh máu di truyền”.

Cụ thể, Việt Nam đã ứng dụng các tiến bộ của thế giới về thuốc nhắm đích trong điều trị ung thư máu; thực hiện thành công khảo sát dịch tễ về tan máu bẩm sinh trên toàn quốc và phối hợp thực hiện chương trình tầm soát gen bệnh, tiến tới giảm dần số trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh tại một số địa phương…; phát triển liên tục trong hoạt động ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố…

Về lĩnh vực di truyền – sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở bệnh ung thư máu, Thalassemia, Hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê; Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; Cục trưởng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, về lĩnh vực truyền máu, Việt nam đã đảm bảo được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị người bệnh. Với vai trò là đơn vị đầu ngành của cả nước đã rất chủ động, tích cực và sáng tạo trong xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc”.

Bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh thiếu máu tan máu di truyền từ bố và/hoặc mẹ. Bệnh Thalassemia thể nặng cần phải truyền máu suốt đời, khi mắc gene bệnh, trẻ có thể tử vong ngay trong bào thai do trẻ không ra đời do phù thai.

Nếu sống trẻ sinh ra không may mang gen bệnh Thalassemia ở mức độ năng có thể gây nên những biến chứng nặng nề như biến dạng xương mặt, suy tuyến nội tiết, chậm phát triển, suy gan, xơ gan, suy tim… để lại hậu quả cho nòi giống, gánh nặng bệnh tật cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sống và giảm tuổi thọ của người bệnh, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh tan máu bẩm sinh nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng các xét nghiệm tầm soát gene bệnh đơn giản, chi phí thấp. Để sàng lọc bệnh Thalassemia, những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm, tầm soát gen bệnh càng sớm càng tốt. Nếu kết quả mang gene bệnh cần được tư vấn và quản lý nguồn gene để tránh sinh ra con bị bệnh thể nặng.

Bài liên quan
Những dấu hiệu khác thường trên bàn chân cho thấy sức khỏe có vấn đề
Bàn chân chính là trái tim thứ hai của con người, chính vì vậy thông qua nó bạn có thể biết được tình hình sức khỏe của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căn bệnh di truyền cần truyền máu suốt đời