Việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể và thực hiện từng bước, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy trình, quy định. Luân chuyển phải căn cứ vào tình hình thực tế đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; vừa đảm bảo yêu cầu phân công, bố trí đội ngũ cán bộ thời gian tới; không gây xáo trộn trong công tác cán bộ, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thành phố yêu cầu không luân chuyển cán bộ trong thời gian thi hành kỷ luật, năng lực yếu, uy tín thấp, không có triển vọng phát triển. Luân chuyển cán bộ lãnh đạo , quản lý phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu vị trí việc làm của chức danh được phân công, bố trí tại thời điểm thực hiện; đảm bảo yêu cầu về độ tuổi theo quy định trong trường hợp thực hiện quy trình luân chuyển.
Đối tượng luân chuyển là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch của cơ quan, tổ chức; cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức chưa kinh qua thực tiễn ở cấp huyện, cấp xã; cán bộ lãnh đạo, quản lý các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan; cán bộ lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương.
Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng phương án luân chuyển cán bộ diện Thành ủy, UBND thành phố quản lý và thực hiện tốt quy trình luân chuyển cán bộ; tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với chức danh thuộc diện Thành ủy, UBND thành phố quản lý; trao đổi, thống nhất phương thức, thời gian thực hiện với cơ quan, đơn vị có cán bộ được luân chuyển và cơ quan, đơn vị nhận cán bộ luân chuyển. Nhận xét, đánh giá, đề xuất bố trí, phân công cán bộ trước, sau luân chuyển. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch…