Như vậy, ước tính tiền cho thuê 4 sân thu về hơn 10 triệu đồng/ngày chưa kể các dịch vụ, chi phí khác như bán, thuê quần áo, bóng, bán nước.
Cũng tại khu đất này, một phần diện tích đất xây trường học biến thành trường bắn cung X10 hoạt động nhộn nhịp không kém.
Theo quan sát của PV, thời gian chơi thường vào sau 17h30 hàng ngày và 2 ngày cuối tuần. Người chơi đến đây chịu hai khoản phí là thuê sân và thuê cung. Theo tìm hiểu, ngày thường, giá trong giờ đầu là 80.000 đồng/giờ, giờ tiếp theo là 50.000 đồng/giờ. Cuối tuần giờ đầu là 150.000 đồng/giờ, giờ tiếp theo là 50.000 đồng/giờ. Giá thuê cung là 70.000 đồng/buổi ngày thường, 80.000 đồng/buổi ngày cuối tuần.
Như vậy, để cho thể chơi cơ bản, một người phải bỏ ra khoảng 400.000 đồng cho một lần chơi. Ngoài ra còn dịch vụ thuê trang phục chụp ảnh với giá từ 100.000 -150.000 đồng/giờ.
Cách đó không xa, cũng tại khu đất quy hoạch trường học "treo" nhiều năm với quy mô hàng nghìn m2 cạnh công viên Trần Thủ Độ, đường Trần Thủ Độ ( phường Hoàng Liệt ) cũng đang hình thành loạt sân bóng nhân tạo. Hạ tầng xây dựng trên các khu sân bóng này gồm hệ thống cột điện cao áp, lưới chắn bóng và mặt sân cỏ nhân tạo cùng nhiều hạng mục khác.
Theo ghi nhận, tại khu đất này đã hình thành 4 sân bóng đá mini 7 người, chuẩn bị đưa vào kinh doanh.
Việc các sân bóng, trường bắn cung ngang nhiên "mọc" trên các ô đất quy hoạch trường học tại KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, hoạt động công khai, thu cả chục triệu đồng mỗi ngày đang gây bức xúc cho người dân nơi đây. "Khi về ở thì tôi được biết đây là đất để xây trường học cho các cháu, phục vụ người dân KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, giờ trường học thiếu, tôi phải đưa con đi học xa vài km. Không hiểu sao những ô đất quy hoạch trường học lại biến thành sân bóng, khu bắn cung trong khi dự án không triển khai, gây lãng phí đất đai. Số tiền cả trăm triệu hàng tháng thu được từ việc kinh doanh sân bóng, khu bắn cung vào túi ai, có đóng góp cho ngân sách nhà nước hay không?. Chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý để nở rộ tình trạng sử dụng đất sai mục đích tại các ô đất quy hoạch trường học”, anh Hoàng - người dân sinh sống tại KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp bức xúc.