Do đó, khi tổ chức kiểm tra chung trên diện rộng cần có mục đích rõ ràng để từ đó quy định số môn, khối lớp kiểm tra chung phù hợp; tránh lạm dụng dẫn tới tốn kém, áp lực không cần thiết với học sinh, giáo viên, nhà trường.
Cùng với đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.
Với tầm quan trọng của đánh giá định kỳ, dù tổ chức kiểm tra chung hay riêng cũng cần bảo đảm tổ chức nghiêm túc, đúng quy định; đánh giá chính xác, công bằng, trung thực, khách quan kết quả học tập của học sinh. Đồng thời, phải xây dựng được đề kiểm tra khoa học, chính xác, chặt chẽ, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng hay yêu cầu cần đạt môn học, phù hợp quy định môn kiểm tra...
Bộ GD&ĐT quy định, đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Tuy nhiên, hiện nay, các trường chủ yếu thực hiện kiểm tra định kỳ qua bài kiểm tra trên giấy. Do đó, triển khai đa dạng các hình thức đánh giá định kỳ cần quan tâm hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá, phát huy phẩm chất, năng lực người học.