Theo đó, Điều 126, Luật Đất đai đã có quy định cụ thể về chế độ sử dụng với loại đất sử dụng có thời hạn.
Cụ thể tại khoản 3 quy định: " Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư... được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm.... Đối với dự án kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc để cho thuê mua thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án ; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài . Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất...".
Ths. Nguyễn Văn Đỉnh nhận định, theo quy định nêu trên, Điều 126 Luật Đất đai chỉ quy định cụ thể trường hợp người mua nhà ở trong dự án kinh doanh nhà ở được sử dụng đất ổn định lâu dài; không quy định cho các phần diện tích khác (không phải nhà ở) trong dự án.
Như vậy, Điều 126 Luật Đất đai còn bỏ ngỏ, không quy định về thời hạn sử dụng đất đối vưới các phần diện tích khác (không phải nhà ở) trong tòa nhà chung cư hỗn hợp và cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết hay giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thi hành.
Qua nghiên cứu tổng thể các quy định của pháp luật đất đai hiện nay (Điều 126, Điều 145 Luật Đất đai, Điều 49 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP), Ths. Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng đất xây dựng nhà chung cư là đất ở, được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất. Khi chủ đầu tư bán căn hộ nhà ở cho khách hàng thì người mua được sử dụng đất ổn định lâu dài.
Do đó, việc Nhà nước giao đất ở, có thu tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư là điều kiện cần để cấp Giấy chứng nhận với thời hạn ổn định lâu dài cho người mua các sản phẩm trong tòa nhà chung cư nhưng không phải điều kiện đủ.
Ngoài ra, chiếu theo Điều 126 Luật Đất đai thì một sản phẩm/phần diện tích trong tòa nhà chung cư hỗn hợp được cấp Giấy chứng nhận với thời hạn ổn định lâu dài cho người mua chỉ khi sản phẩm/phần diện tích đó là “nhà ở” theo Luật Nhà ở và đáp ứng yêu cầu của một “căn hộ” theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng.
Điều 3, Điều 24 Luật Nhà ở đã quy định nhà ở/nhà ở thương mại bao gồm “ nhà ở riêng lẻ ” (gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập) và “ nhà chung cư ”. Trong khi đó theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư QCVN 04:2021/BXD thì “căn hộ” được định nghĩa là: “Không gian ở khép kín, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho một gia đình, cá nhân hay tập thể. Căn hộ có thể có một hay nhiều không gian chức năng khác nhau như: phòng khách - sinh hoạt chung; chỗ làm việc, học tập; chỗ thờ cúng tổ tiên; các phòng ngủ; phòng ăn; bếp; khu vệ sinh; chỗ giặt, phơi quần áo; ban công hoặc lô gia; kho chứa đồ”.
Do đó, đối chiếu với khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai thì các phần diện tích khác trong tòa nhà chung cư hỗn hợp (căn hộ condotel, căn hộ officetel, shophouse tại khối đế, hầm để xe, nhà trẻ...) chỉ được cấp Giấy chứng nhận với thời hạn ổn định lâu dài nếu đáp ứng được yêu cầu là một “căn hộ” theo QCVN 04:2021/BXD. Khi kiểm tra điều kiện cấp sổ, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra và phải có đầy đủ phòng ngủ, phòng ăn, khu vệ sinh... đảm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt cho một gia đình thì mới được coi là “căn hộ” để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận với thời hạn ổn định lâu dài.
Từ những phân tích nêu trên, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh nhận định cho rằng tùy theo thiết kế và thực tế thi công mà một số căn hộ condotel, officetel, shophouse nếu có đầy đủ phòng ngủ, phòng ăn, khu vệ sinh... đáp ứng nhu cầu ở theo QCVN 04:2021/BXD thì có thể cấp Giấy chứng nhận với thời hạn ổn định lâu dài. Các diện tích condotel, officetel, shophouse không đáp ứng yêu cầu và các phần diện tích khác không có chức năng ở (hầm để xe, trung tâm thương mại, nhà trẻ...) thì Điều 126 Luật Đất đai không có quy định cấp Giấy chứng nhận với thời hạn ổn định lâu dài.