ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi cần bổ sung quy định nhằm kiểm soát tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 22/5, ĐBQH thảo luận về Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) bày tỏ đồng tình với Ban soạn thảo về việc thống nhất khái niệm “thanh tra”, không phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Đây là cách tiếp cận phù hợp với thực tiễn, vì nhiều cuộc thanh tra hiện nay mang tính kết hợp, rất khó phân định rạch ròi.
Theo Luật Thanh tra hiện hành và mô hình tổ chức trước sắp xếp, tinh gọn bộ máy, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thường có bộ phận thanh tra chuyên ngành thực hiện cả thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư. Trong thực tiễn, hai hoạt động này thường được triển khai song song.
Dự thảo hiện chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, nhưng chưa có quy định kiểm soát chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, trong khi đây là vấn đề phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp.
Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị bổ sung khái niệm “kiểm tra” tại Điều 2 của Dự thảo để làm rõ tính chất, chủ thể, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức thực hiện; bổ sung tại Điều 61 nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra; giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh vai trò đầu mối điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý.
"Tôi kiến nghị, sửa đổi Điều 21 của Dự thảo theo hướng kế thừa Điều 49 và Điều 50 của Luật hiện hành; bổ sung quy định, trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra thuộc lĩnh vực đó”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho hay.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nêu quan điểm, Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi không nên quy định "ngày làm việc" mà chỉ cần quy định "ngày" về thời hạn thanh tra.
Trong dự thảo đề cập, cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày làm việc. Trường hợp phức tạp, có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày làm việc, còn trường hợp đặc biệt phức tạp có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày làm việc.
"Nếu quy định như vậy vô hình trung làm kéo dài thời gian thanh tra, gây ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng thanh tra, cơ quan, doanh nghiệp. Với một cuộc thanh tra, đặc biệt thanh tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thì việc giải quyết nên càng nhanh càng tốt, không nên kéo dài", đại biểu Mai Văn Hải cho biết.
Cũng theo đại biểu Mai Văn Hải, sau sắp xếp tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra sẽ không tổ chức thanh tra bộ, sở, nhưng các bộ, sở đều thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Vì thế, phải quy định để khi có vụ việc cần phải thanh tra, kiểm tra xác minh làm rõ để kết luận.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, Dự thảo đã có một số quy định về kiểm tra chuyên ngành, trách nhiệm của thủ trưởng trong việc triển khai, tổ chức kiểm tra chuyên ngành; các sở cũng phải bảo đảm kiểm tra chuyên ngành.
"Vấn đề sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả đang nổi cộm trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi lực lượng thanh tra đi đến đâu là hàng hóa lại cất giấu hết, nhà thuốc nói không bán thực phẩm chức năng... nên rất khó bắt quả tang khi có kế hoạch, rầm rộ thông tin", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ.
Vị đại biểu đặt vấn đề, tại sao không có các quy định thoáng hơn để thanh tra đột xuất được nhiều hơn thanh tra theo kế hoạch. Bởi, thanh tra theo kế hoạch hầu như không có hiệu quả khi danh sách đó phải công khai từ đầu năm và phải được phê duyệt của cấp trên. Trước khi đi thanh tra theo kế hoạch lại phải có thông báo cho đơn vị chuẩn bị một số nội dung...