Chính sách giáo dục

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp

14/07/2025 10:08

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp đang trong quá trình lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, chuyên gia và đội ngũ làm công tác đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không xác lập cơ chế riêng cho đào tạo nghệ thuật – vốn mang tính đặc thù sâu sắc – thì sẽ khó đảm bảo nguồn nhân lực tài năng cho ngành công nghiệp sáng tạo, văn hóa Việt Nam.

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 1.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám Đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Đào tạo nghệ thuật không giống các ngành nghề thông thường"

Không thể “nghề hóa” đào tạo tài năng nghệ thuật

Một trong những nội dung được nhấn mạnh lấy ý kiến trong Luật Giáo dục nghề nghiệp là cần tiếp tục khẳng định và bảo vệ mô hình “trung cấp chuyên nghiệp” – hình thức đào tạo đã gắn bó với nghệ thuật hàng chục năm qua. PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám Đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Đào tạo nghệ thuật không giống các ngành nghề thông thường, bởi phải bắt đầu từ rất sớm, có khi từ 7 tuổi, và kéo dài liên tục 6 đến 11 năm tùy lĩnh vực. Nếu không có nền tảng từ nhỏ, chúng ta không thể có những tài năng như Đặng Thái Sơn”.

Thực tế, mô hình trung cấp chuyên nghiệp đã chứng minh hiệu quả trong đào tạo các ngành như múa, xiếc, nhạc cụ cổ truyền – những lĩnh vực đòi hỏi sự khổ luyện trường kỳ và phát triển kỹ năng qua nhiều giai đoạn. Do đó, việc đánh đồng đào tạo nghệ thuật với trung cấp nghề thông thường không chỉ làm méo mó hệ thống mà còn đe dọa trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực nghệ thuật.

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 2.
Ông Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết nhiều trường nghệ thuật sẽ rất dễ bị sáp nhập hành chính - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

Không chỉ mô hình đào tạo, hệ thống cơ sở giáo dục nghệ thuật cũng đang chịu sức ép bị “cào bằng” do áp lực tinh gọn. Ông Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cảnh báo: “Không ít trường nghệ thuật sau khi bị sáp nhập gần như chết hẳn, không còn môi trường chuyên biệt để đào tạo nghệ thuật”.

Tỉnh Thừa Thiên Huế là một điển hình kiên quyết giữ Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật nhằm phục vụ du lịch cung đình - một đặc sản văn hóa không thể thay thế bằng mô hình khác. Tuy nhiên, nếu không có cơ sở pháp lý đặc thù, nhiều trường nghệ thuật sẽ rất dễ bị sáp nhập hành chính, gây đứt gãy hệ thống đào tạo tài năng nghệ thuật tại chỗ.

Linh hoạt về tên gọi để giữ mô hình đào tạo nghệ thuật liên thông

Hiện nay đã tồn tại nhiều mô hình trường vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghệ thuật từ bậc THCS, đặc biệt trong các lĩnh vực yêu cầu phát triển tài năng từ sớm như âm nhạc, múa, xiếc. Thầy Vũ Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, kiến nghị nên luật hóa khái niệm “trường trung học nghệ thuật”, với đặc trưng là tổ chức song song hai chương trình: văn hóa phổ thông và đào tạo chuyên ngành nghệ thuật.

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 3.
Thầy Vũ Tiến Dũng kiến nghị nên luật hóa khái niệm “trường trung học nghệ thuật” - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

Nếu không có quy định rõ ràng, những mô hình đã vận hành hiệu quả hàng chục năm như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trường Xiếc Trung Ương… sẽ đứng trước nguy cơ bị “cào bằng” với trung cấp nghề thông thường, mất đi tính liên thông và đào tạo xuyên giai đoạn - vốn là cốt lõi trong giáo dục nghệ thuật.

Mô hình “giảng viên đồng cơ hữu”: Cởi trói pháp lý, khơi thông nguồn lực giảng dạy nghệ thuật

Một trong những đề xuất mang tính đột phá trong Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp lần này là mô hình “giảng viên đồng cơ hữu”, cho phép các nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân có chuyên môn cao nhưng không nằm trong biên chế chính thức được tham gia giảng dạy một cách hợp pháp, ổn định và có đóng góp lâu dài.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, đã là giảng viên đồng cơ hữu thì không thể chỉ mời một thầy qua giảng vài tiết, mà phải có sự công nhận, bổ nhiệm, có chức danh rõ ràng. “Có thể người khác tuyển dụng rồi nhưng khi giảng dạy ở đây thì cần được xác lập là giảng viên”, ông nói. Điều quan trọng không phải là biên chế, mà là cơ chế quản lý, mức độ tham gia và cam kết thực chất đối với hoạt động đào tạo.

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 4.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh cần khai thác nguồn lực quý từ các giảng viên kiêm nhiệm - Ảnh: VGP/Trần Hiệp

Theo Thứ trưởng Sơn, trong thực tế hiện nay, nhiều giảng viên đến từ viện nghiên cứu, bệnh viện, doanh nghiệp đang tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nghề. Đây là nguồn lực quý cần được khai thác, nhưng phải quản lý chặt chẽ như giảng viên nội bộ. “Chỉ khi người giảng dạy thực sự được quản lý như giảng viên cơ hữu - có tham gia chuyên môn, giảng dạy thường xuyên - thì mới nên tính vào đội ngũ”.

Về phía doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị cần phân định rõ giữa hai hình thức: doanh nghiệp tổ chức đào tạo (phải được cấp phép như cơ sở đào tạo chính quy) và doanh nghiệp phối hợp với nhà trường theo mô hình học qua làm. “Tốt nhất là doanh nghiệp nhận sinh viên vào thực tập, sau đó không phải đào tạo lại - đó là mô hình win-win”, ông nhấn mạnh.

Góc nhìn từ cơ quan lập pháp cũng thể hiện sự đồng thuận. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định: “Tôi đánh giá cao quy định về ‘giảng viên đồng cơ hữu’, rất đúng với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Nếu không có giáo viên thì có thể mời nghệ sĩ ưu tú vào giảng dạy. Đây là nguồn lực quý mà luật trước chưa mở”.

Thực tế, nhiều trường nghệ thuật đang gặp khó trong việc tuyển đủ giáo viên đạt chuẩn, trong khi lại có hàng trăm nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân lành nghề có thể đảm nhiệm vai trò giảng dạy, truyền nghề. Nếu được luật hóa, mô hình giảng viên đồng cơ hữu không chỉ giúp giải bài toán nhân lực, mà còn mở ra cơ chế bền vững để người làm nghề tham gia đào tạo thế hệ kế cận - yếu tố sống còn với các ngành nghệ thuật có tính thực hành cao như biểu diễn, nhạc cụ truyền thống, thiết kế sáng tạo và nhiều lĩnh vực văn hóa đặc thù khác.

Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 5.
Đào tạo nghệ thuật là một hành trình đặc biệt

Không ai bước ra sân khấu mà không trải qua những năm tháng khổ luyện trong thầm lặng. Cũng như không có ánh đèn nào tự sáng nếu phía sau không còn người giữ lửa.

Đào tạo nghệ thuật là một hành trình đặc biệt - nơi tài năng cần được phát hiện từ sớm, nơi mỗi nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn là người truyền nghề. Nếu những đặc thù ấy không được nhìn nhận và luật hóa kịp thời, sẽ có những khoảng trống không thể lấp đầy, không chỉ trong giáo dục nghề nghiệp, mà trong cả diện mạo văn hóa quốc gia.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng Luật không thể đứng ngoài những giá trị đang lặng lẽ gìn giữ bản sắc Việt Nam.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/can-luat-hoa-dac-thu-dao-tao-nghe-thuat-trong-luat-giao-duc-nghe-nghiep-102250712150021858.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/can-luat-hoa-dac-thu-dao-tao-nghe-thuat-trong-luat-giao-duc-nghe-nghiep-102250712150021858.htm
Bài liên quan
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành lập tỉnh Bắc Ninh
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành lập tỉnh Bắc Ninh tại 2 điểm cầu Quảng trường 3/2 và Trung tâm văn hóa Kinh Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần luật hóa đặc thù đào tạo nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp