Cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị
“Thực tế cho thấy, với số lượng biên chế thời điểm cuối năm 2021, ngành giáo dục các tỉnh miền núi đã phải căng hết sức mới đảm trách được nhiệm vụ. Nếu tiếp tục cắt giảm 10% trong giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ học sinh chuyên cần chất lượng phổ cập giáo dục miền núi, tiểu học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung” - đại biểu Lê Thu Hà chia sẻ, đồng thời cho rằng:
Do điều kiện kinh tế - xã hội của vùng còn khó khăn nên dư địa để đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tỷ lệ tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách của các đơn vị sự nghiệp công lập ở các tỉnh, địa phương miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nhiều.
Do vậy, đề nghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế trong giai đoạn tới không cào bằng tỷ lệ 10% đối với các tỉnh miền núi vùng cao. Ngoài ra, việc duy trì sĩ số học sinh của các lớp học, cấp học ở các trường miền núi cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Theo nữ đại biểu đoàn Lào Cai, nếu chỉ riêng tuyên truyền, vận động của ngành giáo dục, các thầy cô giáo vẫn chưa đủ, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị tại các cơ sở thông qua công tác vận động, cơ chế giám sát và chế tài cụ thể.
Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản và người có uy tín trong thực hiện. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh các xã khu vực III hoàn thành nông thôn mới trở về xã khu vực I.
Từ quan điểm trên, đại biểu Hà đề nghị, Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2016 theo hướng có chế độ hỗ trợ cho học sinh ở xã khu vực I mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, 10 kg gạo/tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Qua đó, nhằm duy trì các trường phổ thông dân tộc bán trú, huy động tối đa học sinh học tại trường chính, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.