Giáo dục

Cần sớm đưa 2 môn Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển đại học

22/09/2024 20:41

Các trường đại học cần sớm công bố tổ hợp xét tuyển có môn Tin học và Công nghệ để thu hút sinh viên học ngành nghề STEM.

Từ năm 2025, môn Tin học và Công nghệ lần đầu tiên được đưa vào nhóm môn thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Môn học quan trọng trong ngành nghề STEM

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, trong đó có 7 năng lực đặc thù: Toán học, Ngôn ngữ, Khoa học, Tin học, Công nghệ, Thể chất và Thẩm mỹ. Trong đó, năng lực Tin học và Công nghệ chưa từng đặt ra ở các chương trình giáo dục trước đây.

Năng lực Tin học và năng lực Công nghệ là 2 yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hai môn học là những thành phần cơ bản tạo nên giáo dục STEM ở giáo dục phổ thông và đại học

Thực tế trong 2 năm học vừa qua, học sinh lớp 10 ở các tỉnh, thành phố lớn đã chọn học môn Tin học với tỷ lệ khá cao.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh chọn môn Tin học là 62,8%, chỉ đứng sau môn Vật lý (74,6%).

Tin học và Công nghệ là 2 lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nghề đào tạo ở giáo dục đại học và nghề nghiệp. Tuy nhiên, hai môn học này cho đến nay gần như chưa có trường đại học nào đưa vào tổ hợp xét tuyển do chưa phải là môn thi tốt nghiệp.

Sinh viên STEM Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp so với các nước

Sinh viên Việt Nam học ngành STEM vẫn còn ít so với các nước. Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ sinh viên theo học ngành nghề STEM, tính trên tổng số sinh viên đang thấp so với một số nước trong khu vực và châu Âu.

Tỷ lệ sinh viên học ngành STEM năm 2021 của Singapore là 46%, Malaysia 50%, Hàn Quốc 35%, Phần Lan 36% và Đức 39%. Trong khi cũng năm 2021, tỷ lệ này của Việt Nam là 28%.

Riêng đối với các ngành Khoa học tự nhiên và Toán, tỷ lệ sinh viên theo học của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc và 1/5 so với Singapore và Đức.

Ngoài ra, việc phân bố sinh viên học ngành STEM ở các vùng miền cũng không đồng đều. Vùng Đông Nam bộ chiếm 58,2%, đồng bằng sông Hồng là 50,2%; vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt xấp xỉ 15%, trung du và miền núi phía Bắc xấp xỉ 10%, trong khi Tây nguyên chỉ xấp xỉ 2%.

Theo các nhà kinh tế học, nhân lực STEM đóng vai trò then chốt cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định của nhiều quốc gia. Đây là nguồn nhân lực quyết định giúp Mỹ có thể giành chiến thắng trong tương lai, nên tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực này tăng từ 7,9% giai đoạn 2000 -2010 lên 26% giai đoạn 2010 - 2020.

Với vai trò quan trọng đó, giáo dục STEM, từ phổ thông đến đại học, đã được triển khai mạnh tại các nước có nền công nghiệp phát triển và đang là xu hướng giáo dục lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ngành nghề STEM rất phong phú và không ngừng phát triển, chủ yếu tuyển sinh theo khối A (A00, A01, A02, A03,…) và khối B (B00, B01, B02, B03, B04…).

hinh anh .png
Danh sách 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025. (Nguồn: tuyensinhso)

Hiện nay các trường đại học chưa có tổ hợp nào có công nghệ và tin học. Một số trang thông tin tuyển sinh lớn vừa qua đăng tải Danh sách các tổ hợp thi đại học từ năm 2025.

Trong danh sách này, các tổ hợp thi tốt nghiệp có môn Tin học, Công nghệ có rất ít hoặc không có tổ hợp xét tuyển đại học. Danh sách này được hầu hết website các trường THPT có liên kết đến để học sinh tham khảo.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, trong đó môn Tin học và Công nghệ nguy cơ có ít học sinh lựa chọn.

Lưu ý vấn đề công bằng trong giáo dục

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, một trong những thách thức của giáo dục đại học hiện nay là đổi mới công tác tuyển sinh thích ứng với sự đổi mới của toàn bộ hệ thống, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học.

Các trường đại học cần xây dựng thêm các tổ hợp tuyển sinh mới có các môn Tin học, Ngoại ngữ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, đồng thời cần công bố sớm từ đầu năm học 2024 - 2025 để học sinh lựa chọn môn thi sớm.

CD DAI VIET SAI GONIMG_1954.JPG
Giờ thực hành của sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô. (Ảnh: Mạnh Tùng)

Việc công bố sớm các tổ hợp xét tuyển mới có môn Tin học và Công nghệ nhằm tăng thêm cơ hội cho học sinh đi vào các ngành nghề STEM.

Điều này, không chỉ giúp cho các trường đại học thu hút được nhiều sinh viên theo học ngành STEM (từ quy mô 500.000-600.000 sinh viên hiện nay lên 1 triệu vào năm 2030, theo quy hoạch phát triển giáo dục đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) mà còn tác động tích cực hơn với giáo dục phổ thông.

Sớm công bố tổ hợp xét tuyển có Công nghệ, Tin học sẽ giúp học sinh tự tin và yên tâm hơn khi đăng ký các môn học từ lớp 10 và đăng ký môn thi.

Nếu không, học sinh sẽ sợ không đăng ký 2 môn học này để thi, mặc dù đã chọn tổ hợp môn học có Tin học và Công nghệ.

Tuy nhiên, khi đưa Tin học, Công nghệ vào các tổ hợp xét tuyển đại học, vấn đề công bằng trong giáo dục cần được đặt ra.

Đó là tình trạng thiếu máy vi tính, thiết bị dạy học công nghệ và giáo viên 2 môn học này ở các vùng khó khăn.

Điều này đòi hỏi Nhà nước, các cấp chính quyền và ngành Giáo dục đầu tư về nguồn lực, đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học này cho các vùng khó khăn, miền núi và hải đảo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/can-som-dua-2-mon-tin-hoc-va-cong-nghe-vao-to-hop-xet-tuyen-dai-hoc-post701880.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/can-som-dua-2-mon-tin-hoc-va-cong-nghe-vao-to-hop-xet-tuyen-dai-hoc-post701880.html
Bài liên quan
Khởi động cuộc thi vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024
Chiều 14/11, Báo Tiền Phong tổ chức họp báo công bố Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 (Vietnam STEM AI Robotics - VSAR) dành cho học sinh phổ thông với chủ đề “Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần sớm đưa 2 môn Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển đại học