Cần sửa đổi đánh giá ngoài cho phù hợp

11/09/2023, 07:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đánh giá ngoài có vai trò quan trọng, giúp tư vấn, hỗ trợ các trường đánh giá chính xác hiện trạng và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng.

Hiện nay, triển khai công tác này ở các nhà trường, địa phương còn khó khăn, cần nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Ông Nguyễn Đức Hà, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Bắc Ninh: Chú trọng nâng cao chất lượng

Ông Nguyễn Đức Hà. ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Hà.

Kết thúc năm học 2022 - 2023, 100% cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non tỉnh Bắc Ninh hoàn thành công tác tự đánh giá. Về công tác đánh giá ngoài, Bắc Ninh có 162/177 cơ sở giáo dục mầm non đăng ký và được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, trường đạt chuẩn quốc gia (91,5%); số lượng này với giáo dục tiểu học, THCS, THPT là 100% (riêng 3 cơ sở giáo dục THPT tư thục đã đăng ký đánh giá ngoài để công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục).

Hằng năm, Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công tác tự đánh giá, đặc biệt chú trọng thực hiện việc cải tiến nâng cao chất lượng sau tự đánh giá và đánh giá ngoài nhằm khắc phục những tồn tại của đơn vị. Kế hoạch cải tiến chất lượng không dàn trải hết các tiêu chuẩn, tiêu chí mà tập trung đề ra biện pháp để tiếp tục duy trì mặt mạnh, một số tiêu chuẩn, tiêu chí còn tồn tại được chỉ ra sau tự đánh giá, đánh giá ngoài và đưa ra giải pháp khắc phục. Kết thúc năm học vừa qua, 100% cơ sở giáo dục hoàn thành kế hoạch cải tiến nâng cao chất lượng sau tự đánh giá và đánh giá ngoài, báo cáo kết quả về Sở đúng thời gian quy định.

Thuận lợi của Bắc Ninh là công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục cũng như cơ sở giáo dục. Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh cho phép đầu tư ngày càng tốt hơn cho cơ sở vật chất, đội ngũ cũng như các điều kiện dạy và học tại nhà trường. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác đánh giá ngoài được tập huấn, thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, về khó khăn, hạn chế, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn còn lúng túng việc viết báo cáo, lưu trữ hồ sơ khi thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo các Thông tư 17, 18, 19 của Bộ GD&ĐT. Sau một số năm được sử dụng làm bộ công cụ trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục, các Thông tư đó bộc lộ một số tiêu chí, chỉ báo chưa sát với thực tế về diện tích, sĩ số học sinh, cơ sở vật chất, tổng số lớp trong một cơ sở giáo dục…

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn đối với các cơ sở giáo dục tư thục. Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số huyện, thị xã, thành phố có khu công nghiệp dẫn đến quy mô học sinh tăng, phá vỡ quy mô trường, lớp; biên chế giáo viên thiếu (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học); thiếu diện tích, diện tích phòng… làm ảnh hưởng đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia.

Để khắc phục hạn chế nói trên, Bộ GD&ĐT cần sửa đổi: Một số tiêu chí, chỉ báo trong các Thông tư 17, 18, 19; Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT ngày 20/5/2020; Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22/11/2022… cho phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Về phía Sở GD&ĐT, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, chính quyền các địa phương tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ dạy - học, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn.

Nâng cao nhận thức cán bộ quản lý giáo dục các cấp về tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Kiểm tra, giám sát công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt công tác cải tiến chất lượng sau tự đánh giá, đánh giá ngoài.

Xây dựng tiêu chí đánh giá thi đua các đơn vị trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT Thái Thụy, Thái Bình: Cần ưu tiên về chính sách

Ông Đỗ Trường Sơn. ảnh 2
Ông Đỗ Trường Sơn.

Hiện nay, huyện Thái Thụy có 33/104 trường (đạt 31,7%) được đánh giá ngoài theo Thông tư 17, 18, 19 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, một trường được công nhận kiểm định chất lượng cấp độ 1; 7 trường đạt cấp độ 2; 25 trường đạt cấp độ 3.

Triển khai công tác đánh giá ngoài gặp khó khăn, trước hết bởi nhận thức về mục tiêu việc kiểm định chất lượng giáo dục còn hạn chế, chưa coi trọng công tác xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục, thiếu các giải pháp, lộ trình, chưa xác định rõ trách nhiệm của các ngành một cách cụ thể để khắc phục hạn chế, thiếu sót.

Công tác văn thư, lưu trữ ở nhiều đơn vị còn hạn chế, việc thu thập gặp nhiều khó khăn do công tác lưu trữ chưa tốt. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học chưa đáp ứng nhu cầu dẫn đến nhiều đơn vị khó đạt tiêu chuẩn 3 về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Chưa có các chính sách, chế tài cụ thể để tạo động lực cho công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Chẳng hạn, những trường đạt chứng nhận kiểm định chất lượng sẽ có các ưu tiên gì về chính sách. Đối với các trường không đạt yêu cầu kiểm định sẽ phải cam kết hay chịu ảnh hưởng như thế nào.

Để triển khai tốt hơn công tác đánh giá ngoài, tôi cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về công tác đánh giá ngoài, đặc biệt quan tâm tuyên truyền trong nội bộ ngành. Sau nữa là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương về việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng tiêu chuẩn 3 của các Thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, gắn chặt chẽ công tác đánh giá ngoài của các đơn vị trường học vào công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của các xã. Qua đó, huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị và xã hội vào xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ công tác đánh giá ngoài, văn thư, lưu trữ trong trường học. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào đánh giá ngoài. Đẩy mạnh số hóa các loại hồ sơ, sổ sách để làm minh chứng cho các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định.

Liên quan đến nội dung này, giáo dục Thái Thụy kiến nghị Bộ GD&ĐT cần bổ sung quy định về chính sách: Những trường đạt chứng nhận kiểm định chất lượng sẽ có ưu tiên gì về chính sách. Đối với các trường không đạt yêu cầu kiểm định thì phải cam kết hay chịu ảnh hưởng như thế nào, thậm chí nếu không thể khắc phục những tồn tại và nâng cao chất lượng sẽ được hỗ trợ hay có giải pháp cụ thể ra sao.

Bổ sung quy định mức chi cho cấp Phòng GD&ĐT về công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn đối với công tác kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, phổ thông. Hiện tại, Thông tư 56/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 của Bộ Tài chính mới chỉ quy định mức chi cho hoạt động đánh giá ngoài cấp Sở GD&ĐT và cấp trường. Song thực tiễn, Phòng GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm kiểm tra việc tự đánh giá của các trường trước khi trình Sở GD&ĐT đánh giá ngoài.

Ngoài ra, cần có giải pháp ưu tiên đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn 3 về kiểm định, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cần tuyển dụng đủ viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ chuyên trách cho các nhà trường để giúp tổ đánh giá ngoài của các đơn vị thu thập minh chứng được thuận lợi.

Ông Phạm Viết Phúc, Quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An: Cần thành lập bộ phận chuyên trách

Ông Phạm Viết Phúc. ảnh 3
Ông Phạm Viết Phúc.

Triển khai đánh giá ngoài với cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Kỳ Sơn còn nhiều khó khăn. Theo đó, các trường cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa không đảm bảo đủ số lượng cũng như chất lượng theo quy định của Thông tư. Đội ngũ giáo viên thiếu, trình độ không đảm bảo theo yêu cầu.

Kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng trường chuẩn chậm. Cấp học mầm non và tiểu học có quá nhiều điểm trường lẻ, diện tích khuôn viên chật hẹp, cơ sở vật chất trường lớp học, phòng chức năng, công trình phụ chưa đảm bảo, còn thiếu thốn bất cập so với quy định. Hàng năm lên kế hoạch xây dựng nhiều trường chuẩn quốc gia nên kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường tương đối lớn dẫn đến không kịp thời hoàn thiện các hạng mục xây dựng theo kế hoạch đề ra.

Làm tốt công tác đánh giá ngoài, các trường cần thành lập một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm làm đầu mối thu thập, lưu trữ dữ liệu, tổ chức hoạt động tự đánh giá nhằm mục đích cải tiến nâng cao chất lượng và kiểm định chất lượng. Bộ phận này phải gồm những người được đào tạo chuyên môn về đo lường, đánh giá, kiểm định chất lượng trong giáo dục hoặc đã tham gia các đợt tập huấn tự đánh giá/đánh giá ngoài do Cục Quản lý chất lượng tổ chức.

Đồng thời, phải tổ chức tập huấn cho lãnh đạo trường, Hội đồng tự đánh giá về đảm bảo chất lượng/kiểm định chất lượng và đặc biệt tập huấn cho nhóm chuyên trách các kĩ thuật thu thập thông tin/minh chứng, mã hóa phân tích minh chứng, cách viết báo cáo tự đánh giá.

Công tác tự đánh giá chất lượng, kiểm định chất lượng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các hoạt động này hướng đến văn hóa chất lượng. Điều này cần có thời gian, song công việc cần làm ngay trong thời gian tới là tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả các trường và xã hội hiểu rõ vai trò, lợi ích của kiểm định chất lượng đánh giá ngoài.

Ông Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp): Không chủ động được

Ông Trần Văn Hân. ảnh 4
Ông Trần Văn Hân.

Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia có quy định rõ về đánh giá ngoài.

Thông tư đã tạo điều kiện để các nhà trường có định hướng hoạt động theo các tiêu chuẩn; đáp ứng mục tiêu giáo dục trong giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng; duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; công khai chất lượng với cơ quan quản lý, phụ huynh học sinh, địa phương. Văn bản của Bộ GD&ĐT cũng giúp nhà trường có cơ sở thực hiện, tham mưu đầu tư huy động các nguồn lực nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Trường THPT Mỹ Quý đã triển khai nội dung Thông tư và kế hoạch thực hiện của nhà trường đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh. Trong đó yêu cầu các bộ phận có kế hoạch với những cách làm cụ thể để thực hiện nhiệm vụ được phân công; bảo đảm thể hiện đầy đủ minh chứng, đánh giá đúng thực chất kết quả đạt được của trường để có chỉ tiêu, giải pháp phù hợp; chú trọng nội dung cần có sự tham mưu với cấp quản lý, giúp đỡ của chính quyền địa phương, tham gia của phụ huynh học sinh và công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Có thể nói, quy định của Bộ GD&ĐT giúp nhà trường có định hướng trong hoạt động giáo dục với những chỉ tiêu phấn đấu vừa mang tính bao quát, đồng thời phù hợp thực tiễn nhà trường; kịp thời có kế hoạch duy trì, phát huy những điểm mạnh và giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, điều kiện để đạt các mức cao trong đánh giá làm cho nhà trường gặp khó và không chủ động được, như yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất quá cao so với điều kiện chung của tỉnh; việc số lượng học sinh mỗi lớp không vượt quá 40 học sinh là không khả thi (mức 3). Do đó, nhà trường đề xuất cần điều chỉnh nội hàm các tiêu chí về đánh giá kết quả học sinh phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần sửa đổi đánh giá ngoài cho phù hợp