Không quá tập trung vào xử phạt khi học sinh có gian lận, mà hãy tập trung vào mục tiêu, ý nghĩa giáo dục theo chương trình giáo dục, đó là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp…
Tuyên truyền cho học sinh, giáo viên và phụ huynh về các luật, nghị định xử phạt liên quan đến gian lận học đường. Chẳng hạn như Điều 22 của Luật Giáo dục 2019 quy định các hành vi bị cấm trong cơ sở giáo dục, trong đó có cấm “gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh”; Nghị định 138/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục…
Nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng đến quan niệm khác nhau về gian lận học đường như: Nền tảng kinh tế - xã hội, cán bộ lớp, loại hình trường công lập/tư thục. Những học sinh mà gia đình có điều kiện về tài chính, cha mẹ có trình độ học vấn cao nhiều khả năng thuộc nhóm gương mẫu. Còn học sinh thuộc tầng lớp thấp nhiều khả năng thuộc nhóm nổi loạn, coi nhẹ việc sao chép bài của bạn thành bài của mình.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào có tài chính, có học vấn cao thì không gian lận học đường. Chẳng hạn, như vụ tiêu cực thi cử xảy ra ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018, nhiều gia đình có điều kiện tài chính, có địa vị trong xã hội... sẵn sàng bỏ tiền ra để “mua điểm” cho con. Những học sinh đạt điểm cao nhờ gian lận, biết chắc chắn không phải là điểm của mình vẫn làm hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học top đầu, để rồi sau đó bị phát hiện và xóa khỏi danh sách trúng tuyển.
Học sinh là cán bộ lớp thường thuộc nhóm gương mẫu. Do cán bộ lớp luôn tuân thủ theo quy định của trường, nhất là quy định về chống gian lận. Vì vậy, học sinh các nước phương Tây, học sinh trường quốc tế ở Việt Nam luân phiên làm lớp trưởng, không chỉ để tập dượt vai trò lãnh đạo mà còn gương mẫu trong chống gian lận.
Khảo sát cũng cho thấy loại hình trường công/tư cũng ảnh hưởng đến quan điểm về gian lận. Trường có đầu vào cao, học sinh sẽ nghiêm khắc với gian lận hơn so với học sinh trường có đầu vào thấp.
Gian lận, đến từ đâu?
GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến gian lận học đường. Ông phân ra thành 3 nhóm: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình
Gia đình là tế bào xã hội, nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ và rèn giũa để hình thành và phát triển nhân cách một con người. Những gia đình thiện lương, không phân biệt giàu nghèo, thường có những đứa con tử tế, hiếu đễ. Còn với những gia đình không thiện lương, làm giàu bất chính, phi pháp, có quan hệ xã hội rộng vì có quyền, có tiền, con em họ thường ỷ lại vào quyền huynh thế phụ, học lực và đạo đức yếu kém, nhưng lại muốn nhanh chóng đỗ đạt, thăng tiến tới các địa vị cao, không phải vì cống hiến, mà để kiếm chác, vinh thân phì gia. Những người này đã tìm đến với nhau, đổi chác, mua bán, hình thành “liên minh” quyền - tiền - điểm với các quy mô và mức độ khác nhau.
Nhà trường
Việc chạy theo thành tích cũng là một biểu hiện “nói dối” đã trở thành “phổ cập” ở một số nhà trường, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ học sinh giỏi. Có nhiều lớp cuối năm đạt 100% học sinh giỏi. Hệ thống thi cử, thi đấu, thi đua khá nặng nề khắp các cấp, các ngành,... tạo áp lực rất lớn cho người thi, khiến các em phải học thêm, luyện thi, dạy đối phó, học đối phó. Từ đó, ngay cả học sinh, sinh viên khá, giỏi cũng sẵn sàng gian lận, đạo văn.
Dạy thêm – học thêm đã trở thành tệ nạn. Nhiều giáo viên dạy thêm như một sinh kế, rồi có người tha hóa và biến chất, khi chính những người thầy “nhắm mắt” cho điểm, nâng điểm hay gợi ý trước đề kiểm tra, đề thi để học sinh đạt điểm cao.
Trường chuyên lớp chọn có thể dẫn đến bất công, khi loại hình trường, lớp này có thể biến thành “đặc quyền” của con em các gia đình có quyền và có tiền, nhờ được học thêm, được luyện thi và kể cả gian lận.
Xã hội
Thực trạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến gian lận học đường nói chung và gian lận thi cử nói riêng, nếu như thói giả dối và các thói hư tật xấu khác của con người không bị ngăn chặn. Kết quả nghiên cứu của GS Trần Ngọc Thêm thực hiện năm 2016 cho thấy, bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt.
Một xã hội mà thói giả dối phổ biến sẽ đi liền với thói háo danh, chuộng bằng cấp, chứng chỉ. Điều này góp phần làm cho vấn nạn gian lận trong giáo dục ngày càng gia tăng, nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, chế tài xử phạt các hành vi gian lận học đường không đủ răn đe và không nghiêm minh.
Theo GS.TS Trần Đức Viên, giải quyết tận gốc tình trạng gian lận học đường không chỉ gói gọn ở khâu tổ chức thi nghiêm túc, mà phải xóa bỏ được tư tưởng gian lận của người học. Khi các khuôn khổ pháp luật, thể chế và các thang bậc giá trị đã chuẩn mực thì thói giả dối nói chung, nạn gian lận thi cử nói riêng sẽ được giảm thiểu. Nhưng muốn làm được điều ấy thì trước hết chúng ta phải đủ can đảm đối diện được với sự thật và nghe được những lời nói thẳng.