Cẩn trọng khi trẻ 'nghiện' game, Internet và smartphone

08/08/2023, 15:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyên gia Nguyễn Thị Thuý Hằng chia sẻ dấu hiệu, tác động và biện pháp phòng tránh học sinh, sinh viên 'nghiện' game, Internet và smartphone.

Từ lâu, tình trạng học sinh, sinh viên lạm dụng dẫn tới “nghiện” game, Internet và điện thoại di động thông minh (smartphone), là vấn đề nhức nhối của rất nhiều phụ huynh. Việc lạm dụng, còn gọi là "nghiện” game, Internet và smartphone khiến học sinh, sinh viên phải đối mặt với các bệnh lý nguy hiểm, gây mất tập trung, sa sút học tập và thậm chí có thể bị đuổi học.

Tác động nguy hiểm

Là chuyên gia tại Viện Tâm lý Giáo dục Braincare, Hà Nội, thạc sĩ Nguyễn Thị Thuý Hằng chia sẻ câu chuyện về một nam sinh Vĩnh Phúc vì chơi game quá nhiều mà mất tập trung học tập. Mỗi ngày, sau khi đi học về, em đều nhốt mình trong phòng, không nói chuyện với bố mẹ, không ra ngoài chơi thể thao. Nhiều khi, bố em nghe thấy tiếng con hét ầm lên trong phòng mà vô cùng lo ngại.

Gia đình đã cấm nam sinh này dùng điện thoại, chơi game nhưng thay vì nghe lời, em đã đập điện thoại ngay trước mặt bố. Lo cho tình trạng tiêu cực của con, gia đình đã đưa nam sinh này đến Viện Tâm lý Giáo dục Braincare thăm khám.

Câu chuyện trên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp học sinh, thiếu niên nghiện smartphone, game, Internet mà thạc sĩ Nguyễn Thị Thuý Hằng đã tham vấn và trị liệu.

Cẩn trọng khi trẻ 'nghiện' game, Internet và smartphone ảnh 1
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thuý Hằng. Ảnh: Viện Tâm lý Giáo dục Braincare.

Theo chuyên gia Hằng, việc học sinh sử dụng Internet quá mức và không kiểm soát được sẽ dẫn đến tình trạng khó tập trung, kết quả học tập sa sút, thậm chí các em có thể phải thôi học hoặc bị đuổi học. Đối với nghiện smartphone, tình hình còn nghiêm trọng hơn vì đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cho người “nghiện”.

Trẻ em có nguy cơ mắc ung thư não cao hơn nếu nghiện smartphone. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), “bức xạ điện thoại di động có thể gây ra ung thư cho con người”. Trẻ có khả năng hấp thụ hơn 60% bức xạ đó vào não, con số này cao hơn đáng kể so với người lớn.

Tiến sĩ Devra, người đứng đầu tổ chức US – based Environmental Health Trust, phân tích: Bộ não của trẻ chứa nhiều dung dịch hơn của người lớn và có hộp sọ mỏng hơn. Điều này ảnh hưởng tới lượng bức xạ hấp thụ, khiến cho trẻ dễ bị tổn hại hơn so với người lớn. Với trẻ em, thiếu niên sử dụng điện thoại điện thoại di động từ khi còn nhỏ, nguy cơ mắc ung thư não sẽ cao hơn khoảng 4-5 lần so với những đứa trẻ không sử dụng.

Tình trạng nghiện smartphone còn dẫn đến giảm thị lực và các bệnh về mắt. Khi cầm điện thoại, trẻ thường xuyên nhìn chằm chằm và kề sát vào màn hình. Bức xạ từ điện thoại sẽ tác động trực tiếp đến thị giác vốn chưa hoàn thiện của trẻ và gây ra các bệnh về mắt như: tổn thương giác mạc hoặc cận, loạn thị và nặng nhất là bị mù lòa.

Bên cạnh các bệnh lý về não và mắt, nghiện smartphone còn là thủ phạm gây nên hội chứng cổ mai rùa. Khi trẻ sử dụng smartphone quá nhiều, phải cúi gập cổ nhìn vào điện thoại hoặc máy tính hàng giờ có thể gây ảnh hưởng đến phần ngực và cột sống cổ, gây co cứng vùng cổ.. Ngồi với tư thế sai trong thời gian dài sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa cột sống và xuất hiện hội chứng cổ rùa.

Hội chứng cổ rùa gây ra những biểu hiện: Khối ụ lồi lên phía sau cổ, vẹo cổ và khòm lưng khiến vai dày lên. Các dây thần kinh và cơ bắp phía dưới xương sọ bị chèn ép gây nên những cơn đau nửa đầu, khắp đầu, giảm thị lực, gây tê bại ở hai tay, giảm khả năng vận động cầm nắm.

Cẩn trọng khi trẻ 'nghiện' game, Internet và smartphone ảnh 2

Gia đình cần quản lý thời gian sử dụng smartphone của con. Ảnh: Viện Tâm lý Giáo dục Braincare.

Trị liệu kịp thời

Để phát hiện con nghiện game, Internet, smartphone, theo chuyên gia Hằng, phụ huynh lưu ý những biểu hiện như: Con mải chơi game, Internet, smartphone quên ăn quên ngủ, không kiểm soát được thời gian. Con có các cảm xúc cực đoan, thất thường như hay cáu gắt, quá vui hoặc quá buồn. Kết quả học tập của con sa sút đột ngột, cơ thể con suy nhược, mệt mỏi.

Con nói dối, trốn học để được chơi game, Internet, smartphone. Con ngại giao tiếp với cha mẹ, không quan tâm tới gia đình, bạn bè hay bất cứ hoạt động khác ngoài game, Internet, smartphone.

“Vì vậy, cha mẹ cần quản lý thời gian sử dụng smartphone của con, tăng cường cho con tham gia các hoạt động vận động, trải nghiệm để con không bị lạm dụng smartphone và tránh những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của con.

Phụ huynh cũng không nên chủ quan khi thấy con có dấu hiệu nghiện game, nghiện Internet. Không được đánh giá, trị liệu kịp thời, hậu quả của nghiện game, Internet, smartphone là vô cùng nặng nề”, chuyên gia Nguyễn Thị Thuý Hằng chia sẻ.

Gần đây, các nhà y khoa cũng ghi nhận Hội chứng ống cổ tay như là hậu quả của chứng nghiện smartphone. Đây là tình trạng liên quan đến vấn đề thần kinh do cầm nắm, bấm smartphone trong một thời gian dài, liên tục. Hội chứng ống cổ tay gây ra các triệu chứng như tê, ngứa và đau nhức ở vùng cổ tay và lòng bàn tay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn trọng khi trẻ 'nghiện' game, Internet và smartphone