Nhưng, chỉ vài ngày sau đó, các tổ chức nhân quyền và Do Thái đã lên tiếng phản đối, vạch rõ rằng cựu binh Hunka từng phục vụ trong một đơn vị quân đội của Đức Quốc xã có tên gọi là Sư đoàn Waffen Grenadier số 14 của SS. Sư đoàn Waffen Grenadier số 14 là một phần của tổ chức SS của Đức Quốc xã bị Tòa án Quân sự quốc tế ở Nuremberg tuyên bố là tổ chức tội phạm vào năm 1946, xác định tổ chức này đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Tổ chức nhân quyền Do Thái B'nai Brith Canada trong một tuyên bố đã lên án các tình nguyện viên người Ukraine từng phục vụ trong đơn vị là “những kẻ có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, những kẻ “mơ về một nhà nước Ukraine đồng nhất về sắc tộc và tán thành ý tưởng thanh lọc sắc tộc”. Trung tâm Nghiên cứu Holocaust Những người bạn của Simon Wiesenthal (Friends of Simon Wiesenthal) đã đưa ra một tuyên bố hôm 24/9 nói rằng Sư đoàn Waffen Grenadier số 14 “chịu trách nhiệm về vụ sát hại hàng loạt thường dân vô tội với mức độ tàn bạo và độc ác không thể tưởng tượng được”. “Mỗi người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust và cựu chiến binh trong Thế chiến II đã chiến đấu với Đức Quốc xã cần phải được xin lỗi về việc làm thế nào mà một cựu binh của sư đoàn tàn ác này lại được vào hội trường của Quốc hội Canada và nhận được sự tôn vinh từ Chủ tịch Hạ viện và một sự hoan nghênh nhiệt liệt của toàn thể các nghị sĩ”, tuyên bố cho biết.
Nhận thấy sự sai lầm hết sức nguy hại, hôm 25/9 ông Rota đã lên tiếng xin lỗi toàn thể công chúng Canada, những người Do Thái từng là nạn nhân của chế độ phát xít trong Thế chiến II và con cháu của họ vì “sự việc đáng tiếc này”. Ông Rota biện minh rằng bản thân ông không hề biết rằng cựu binh Hunka đã từng phục vụ trong một đơn vị của SS Đức Quốc xã, cũng như không biết rằng ông ta đã từng gây “nợ máu” với người Do Thái trong chiến tranh. Tuy nhiên, lời xin lỗi của Chủ tịch Hạ viện Rota chưa đủ thuyết phục, chưa đủ xoa dịu cơn phẫn nộ của những người Do Thái và thân nhân các nạn nhân của SS Đức Quốc xã. Trước sự đòi hỏi của dư luận, ông Rota đã phải từ chức.
Theo sau lời xin lỗi và từ chức của Chủ tịch Hạ viện, tất cả các nghị sĩ có mặt hôm 22/9 và tán thưởng, hoan nghênh cựu binh Hunka đều biện minh rằng mình “không hề biết ông ta từng phục vụ trong một đơn vị của SS Đức Quớc xã”. “Tất cả là lỗi của Chủ tịch Hạ viện Rota. Chính ông ấy đã giới thiệu Hunka và động viên mọi người tôn vinh ông ta” - một nghị sĩ tuyên bố.
Màn đổ lỗi diễn ra cũng ồn ào không kém câu chuyện “tôn vinh cựu binh phát xít” khiến dư luận một lần nữa không hài lòng vì cách nhìn nhận vấn đề của các nghị sĩ. Một số câu hỏi được đặt ra là “Tại sao một thông tin rõ ràng như thế mà không một ai trong toàn thể Hạ viện hôm đó biết? Tại sao khi mời ông Hunka đến buổi nói chuyện Chủ tịch Hạ viện Rota không thực hiện bước kiểm tra nhân thân ông này một cách chặt chẽ?”. Có thể là do tin tưởng rằng cứ “ca ngợi người Ukraine chống Nga” trong mọi hoàn cảnh là “không sao”.
“Cái sảy” tai hại của quốc hội Canada không chỉ gây phẫn nộ cho các tổ chức Do Thái trong nước mà còn làm “nảy cái ung” khiến cho Canada phải đối mặt với những khó khăn ngoại giao sắp tới. Bộ trưởng Giáo dục Ba Lan Przemyslaw Czarnek cho biết ông đã đưa ra yêu cầu dẫn độ ông Yaroslav Hunka sau khi ông ta được Chính phủ Canada tôn vinh là một “anh hùng”. Ông cũng cho biết ông đã đề nghị Tổng thống Ba Lan điều tra xem liệu cựu binh Hunka có nằm trong danh sách truy nã vì tội chống lại Ba Lan và người Do Thái ở Ba Lan hay không.
Nếu Tổng thống Ba Lan thực hiện theo đề nghị của Bộ trưởng Giáo dục Czarnek thì Canada sẽ phải đối mặt những khó khăn ngoại giao mới, sau vụ tranh cãi với Ấn Độ vì người Sikh.