Giáo dục liêm chính

Cảnh báo 4 chiêu lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua

16/06/2024 12:10

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại một số hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần qua từ 9 - 16/6 để người dân chủ động phòng tránh.

Mạo danh Bộ GD&ĐT để tuyển dụng

Những ngày vừa qua xuất hiện Trang thông tin, nhóm Zalo, Email mạo danh các đơn vị của Bộ GD&ĐT để cung cấp thông tin, trong đó đăng tải nhiều hình ảnh, bài viết có nội dung phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Thông tin đến người dân, Bộ GD&ĐT khẳng định hiện tại, đơn vị chỉ cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng qua hai kênh: Cổng Thông tin điện tử Bộ GD&ĐT (https://moet.gov.vn/Pages/home.aspx); và trang Thông tin điện tử Bộ GD&ĐT trên nền tảng Facebook (https://www.facebook.com/thongtinbogiaoducvadaotao/).

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, không rõ nguồn gốc; Tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn, không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ. Không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.

Lừa đảo bằng bẫy đầu tư

Theo lời kể của nạn nhân, bà N quen biết một đối tượng trên mạng xã hội Facebook. Sau đó đối tượng dẫn dụ bà N cùng đầu tư vào dự án có tên "Vinpearl" (giả mạo dự án của tập đoàn Vingroup) và mở tài khoản theo đường link https://vinpearl1.vingroupsvn.com.

Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Tin tưởng, bà N đã làm theo hướng dẫn của đối tượng và chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp. Tổng số tiền bà N đã là gần 1,4 tỷ đồng. Khi đầu tư có lãi và bà N muốn rút tiền ra thì đối tượng yêu cầu phải nạp thêm 10% số tiền hiện có trong tài khoản.

Nghi ngờ mình bị lừa, bà N đã đến cơ quan Công an trình báo. Đây là một hình thức lừa đảo bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ tình cảm để lấy lòng tin nạn nhân, sau đó mời bà N đầu tư và hứa hẹn lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Để ngăn chặn tình trạng trên, người dân tuyệt đối cẩn trọng trước những đối tượng kết bạn làm quen trên mạng xã hội. Cần xác minh danh tính của đối tượng bằng cách tìm hiểu về họ, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể. Không nên vội vàng làm theo những yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng.

Cảnh giác với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc. Người dân không nên vội vàng làm theo những yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng. Tuyệt đối không nên chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Chiêu lừa qua đầu tư tiền ảo

Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tổ chức hội nghị, hội thảo lồng ghép giới thiệu quảng cáo về chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Mức lợi nhuận vượt trội so với thị trường và dễ dàng rút vốn, lãi là những yếu tố mà các đối tượng đưa ra để lôi kéo người dân, nhà đầu tư.

Đối tượng yêu cầu người dân, nhà đầu tư chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch; thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ. Khi thấy người dân, nhà đầu tư không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản, chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển khoản...

Do đó, người dân cần thận trọng khi được giới thiệu mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số; nhất là khi bản thân không có kiến thức về lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Cần tham khảo kỹ về phản hồi, đánh giá từ những người dùng trước về trải nghiệm của họ với sàn giao dịch, công ty tài chính, chứng khoán mà mình quan tâm đầu tư.

Bên cạnh đó, người dân và nhà đầu tư nên tìm tư vấn từ chuyên gia, luật sư trước khi đầu tư nhằm tránh mất tiền từ các sàn đầu tư, công ty lừa đảo.

Giả danh nhân viên công ty xổ số

Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Ngày 12/6, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an huyện Yên Định vừa điều tra, bắt giữ nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức cho số lô, số đề.

Qua điều tra, các đối tượng bao gồm: Phạm Quốc Khánh (SN 2002), Võ Văn Diệp (SN 1993), Võ Văn Tân (SN 1993) đều trú thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế khai nhận, do cần tiêu tiền xài cá nhân nên đã lên mạng tìm cách thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức cho số lô, số đề.

Tang vật thu được lực lượng chức năng thu giữ gồm 4 máy tính, 14 điện thoại di động, 3 máy in màu, 30 sim và phôi sim, 15 tài khoản ngân hàng các loại, 30 biển tên giả danh nhân viên, lãnh đạo công ty xổ số, 50 biên bản cho số, 2 con dấu cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cần cảnh giác trước các dịch vụ trôi nổi trên mạng xã hội. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ hình thức dịch vụ nào khi chưa xác minh được danh tính và uy tín của đối tượng/tổ chức đó. Không vội vàng thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.

Bài liên quan
Dịch vụ đọc trộm tin nhắn, 1 trong 4 hình thức lừa đảo trực tuyến tuần qua
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại một số hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần từ ngày 2 - 8/9 để người dân chủ động phòng tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo 4 chiêu lừa đảo trực tuyến phổ biến tuần qua