Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận ba trường hợp khác bị nạn khi đang chụp ảnh cưới với bóng bay. Theo lời kể của bệnh nhân, trong lúc cô dâu tạo dáng với chùm bóng bay thì chúng phát nổ khiến hai nhân viên chụp ảnh bỏng nặng, cô dâu bỏng nhẹ ở mặt, phải hoãn đám cưới.
Bác sỹ Nguyễn Thống, Trưởng khoa bỏng Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho biết: “Năm nào, khoa cũng tiếp nhận vài trường hợp bỏng do nổ bóng bay, thường là vào các dịp lễ hội. Những bệnh nhân này thường bị tổn thương ở vùng mặt, cổ, gây ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ. Chưa kể, khi bóng nổ, nạn nhân vô tình hít nhiều khí hydro, có thể bị lơ mơ, ói mửa, co giật, hôn mệ, thậm chí tử vong”.
Điều đáng lo ngại là bóng bay bơm khí hydro vẫn đang được sử dụng nhiều tại các buổi tiệc, đám cưới, sự kiện.. nơi có nhiều vật dụng sinh nhiệt, dễ kích hoạt bóng nổ. Bóng bay bơm khí hydro vẫn tiếp tục là thứ đồ chơi quen thuộc của trẻ em ở khắp nơi mà không được bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm soát.
Sử dụng bóng bay bơm khí hydro an toàn
PGS.TS.Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Khí Heli là khí hiếm, điều chế rất khó và bán rất đắt, không phải ai cũng mua được. Do đó, hơn 90% các loại bóng bay bán trên thị trường đều bơm khí Hydro. Hydro gặp Oxi ngoài môi trường đúng tỷ lệ thì sẽ phát nổ.
Các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng loại bóng bơm khí Hydro để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Khi cầm bóng, tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như từ ngoài trời nắng vào phòng kín, không để bóng bay trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn.
Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể khiến chúng phát nổ.
Những gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh không nên cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro trong nhà hoặc những nơi có nguồn lửa, dễ gây cháy nổ.
Khi mua các loại bóng bay, không nên giữ trong phòng kín, bởi nếu chạm vào nguồn nhiệt như hơi nóng của bóng đèn, bóng bay có thể phát nổ.
Trong trường hợp thu giữ, lực lượng chức năng cần mang đến những nơi thoáng, rộng, dùng vật nhọn chọc thủng.
Không nên để bóng bay ngoài trời nắng vì có thể gây nổ. Hơn nữa, khi sử dụng loại bóng bay này, các cơ quan, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn trọng khi sử dụng.
Nếu không may bị bỏng do nổ bóng bay khí hydro, cần nhanh chóng sơ cứu người bị nạn bằng cách nhặt hết vụn bóng trên người bị bỏng, cởi bỏ quần áo tại khu vực bị tổn thương; Nhanh chóng sử dụng nước sạch làm mát vùng da bị bỏng giúp giảm thiểu mức độ bị tổn thương; Băng vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng. Sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời hoặc gọi điện thoại 114 để được giúp đỡ.
Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ nhưng loại bóng này vẫn đang được sử dụng thường xuyên. Người dùng vẫn còn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của nó. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi sử dụng loại bóng bay này, người sử dụng nên tìm hiểu kỹ lưỡng và hết sức cẩn trọng khi sử dụng./.