Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc 16 tỉnh phía Bắc đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa, nguy cơ rất cao lũ quét, sạt lở đất trong những giờ tới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 08 giờ ngày 02/07 đến 08 giờ ngày 03/07), khu vực các tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh,... đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Thân Thuộc 129 mm (Lai Châu); Chế Tạo 123,4 mm (Yên Bái); Việt Lâm 365 mm, Bản Ngần 285,8 mm (Hà Giang); Thượng Lâm 151 mm (Tuyên Quang); Thanh Mai 174 mm (Bắc Cạn); Trung Hội 194,8 mm (Thái Nguyên); Thạch Lâm 108,4 mm (Cao Bằng); Nhất Tiến 1 137,7 mm, Nhất Hòa 126,8 mm (Lạng Sơn); Dương Huy 138,6 mm (Quảng Ninh);...
16 tỉnh có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 03-06 giờ tới, miền núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 80mm. Riêng các tỉnh Điện Biên, Thái Nguyên, Lạng Sơn mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 90mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện gồm:
Danh sách các địa phương có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Nhận định khu vực Bắc Bộ đang bước vào thời kỳ cao điểm mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ quán triệt các bộ ngành, địa phương chủ động các biện pháp ứng phó. Trong công điện số 65 các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Hiện nay đã là thời kỳ cao điểm mưa lũ ở Bắc Bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Phải tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân". Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.Tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Phối hợp với cơ quan có liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du; triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo quy định, hạn chế tối đa thiệt hại.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống; chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.