Trước tình trạng xuất hiện tổ chức, cá nhân mạo danh để đưa người đi Australia làm việc nông nghiệp theo chương trình PALM, các cơ quan chức năng, địa phương tỉnh Nghệ An đã đồng loạt phát công văn cảnh báo, tuyên truyền để người dân không bị lừa.
Giữa tháng 5/2024, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc phối hợp để ngăn chặn tình trạng lừa đảo , đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp. Cụ thể, trong năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và thương mại Australia tổ chức đưa 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp theo chương trình PALM tại nước này.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB &XH đang phối hợp lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin, hướng dẫn người lao động làm thủ tục xin cấp thị thực visa vào Australia làm việc, tổ chức khóa đào tạo miễn phí cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Tuy nhiên, lợi dụng chương trình này, một số tổ chức, cá nhân đã mạo danh về các địa phương để tuyển chọn, thu tiền người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh trật tự. Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các tỉnh, thành phố tuyên truyền để người dân không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân đơn vị nào đến khi có thông báo chính thức từ Bộ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Sau khi nhận được công văn từ Bộ, Sở LĐ-TB &XH tỉnh Nghệ An đã lập tức phát công văn gửi đến cơ quan chức năng, Công an tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, ngăn chặn, tránh việc người dân bị lừa đảo đi làm việc tại Australia. Đồng thời chủ động sớm phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức đến các địa phương tuyển dụng lao động tham gia chương trình đi Australia khi chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.
Phải có giấy giới thiệu của Sở LĐ-TB&XH
Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An) cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường cảnh báo, tuyên truyền đến người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau như: phát hành văn bản; chia sẻ thông tin trên các trang mạng, báo đài; tổ chức các hội chợ việc làm lồng ghép các nội dung tuyên truyền.
“Theo quy định, khi các đơn vị muốn về tuyển dụng việc làm tại các địa phương thì Sở sẽ rà soát lại xem hồ sơ của đơn vị đó có hợp lệ không rồi mới giới thiệu về cho các huyện. Nên nếu đơn vị nào không có giấy giới thiệu là hoạt động trái phép. Sở đã đưa ra khuyến cáo cho người dân khi có cá nhân, tổ chức về địa phương tuyển dụng việc làm thì yêu cầu họ phải xuất trình các giấy tờ liên quan, giấy giới thiệu của Sở LĐ-TB&XH, của huyện.
Nếu không có các giấy tờ thì những đơn vị đó hoạt động trái phép, mang lại rủi ro cao nên người dân cần từ chối tham gia. Đối với chương trình tuyển dụng vào làm việc tại Australia, hiện ở nước ta chưa có đơn vị, công ty nào được cấp phép. Vậy nên cá nhân, tổ chức nào tuyển dụng người đi Australia làm việc đều là bất hợp pháp”, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An) nói.
Tại thành phố Vinh , sau khi nhận được công văn từ Sở LĐ-TB&XH về chương trình đưa người đi lao động tại Australia, địa phương này đã lập tức có văn bản gửi đến các phường, xã trên địa bàn nhằm tuyên truyền, cảnh báo người dân. Các phường, xã sau đó cũng đã có công văn cảnh báo đến tận người dân ở từng khối, xóm tránh bị lừa đảo đi làm tại Australia.
Ông Nguyễn Xuân Huân - Chủ tịch UBND phường Bến Thủy (thành phố Vinh) cho biết, 4 ngày qua, phường này đã có công văn gửi đến ban cán sự của 15 khối trên địa bàn phường để tuyên truyền, cảnh giác cho người dân. Ngoài ra, phường này cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, lực lượng công an kiểm tra để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định để đi làm việc tại Australia.
“Mấy tuần trước tôi thấy thông tin chia sẻ trên mạng đăng tuyển lao động đi các nước, trong đó có tuyển người đi làm nông nghiệp tại Australia với mức lương khá cao. Tôi đang tìm hiểu để cho con trai đi sang Australia làm việc thì thấy thông báo của phường cảnh giác lừa đảo. May mà chính quyền phường cảnh báo sớm, nếu không tôi đã đăng ký cho con đi rồi. Lúc đó thì không biết tìm ai mà đòi”, anh Phan Văn Thông (trú phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh) chia sẻ.
Tại tỉnh Nghệ An, hiện có 25 doanh nghiệp, công ty được Sở LĐ-TB&XH tỉnh cấp phép tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài. Ngoài ra có 54 công ty, doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép và được Sở giới thiệu tuyển dụng tại tỉnh Nghệ An. Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Nghệ An đã có trên 7.000 người đi làm việc tại nước ngoài theo đường chính ngạch. Tổng cộng, tỉnh Nghệ An có hơn 80.000 lao động đang làm việc hợp pháp tại các nước trên thế giới.