Các đối tượng xấu thường xuyên gọi điện, nhắn tin đến phụ huynh thông báo về việc hoàn trả tiền học phí, tuyển sinh đầu cấp...
Gần đây, các đối tượng xấu thường xuyên gọi điện, nhắn tin đến phụ huynh thông báo về việc hoàn trả tiền học phí, tuyển sinh đầu cấp hay điều chỉnh thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Điều đáng nói, một số phụ huynh “nhẹ dạ cả tin” làm theo hướng dẫn và sau đó bị hack (truy cập trái phép) tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền.
Ngày 6/5, giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) ghi nhận có 5 phụ huynh phản ánh bị người lạ mạo danh nhân viên nhà trường, thông báo thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT của học sinh chưa chính xác, căn cước công dân cần cập nhật mức độ 2 để bổ sung hồ sơ, thủ tục gấp trong ngày. Sau đó, đối tượng yêu cầu phụ huynh liên hệ với số điện thoại do họ cung cấp và giới thiệu là người của công an phường để hỗ trợ điều chỉnh thông tin.
Một phụ huynh do quá lo lắng đã làm theo, gọi đến số điện thoại được cung cấp. Ngay sau đó, một người khác tự xưng công an phường hướng dẫn phụ huynh cài đặt căn cước công dân mức độ 2 cho con bằng cách truy cập vào đường link mà đối tượng gửi. Khi phụ huynh nhấn vào đường link và làm theo yêu cầu quét khuôn mặt, tài khoản ngân hàng của họ bị trừ hết tiền. Lúc này, phụ huynh mới phát hiện mình bị lừa.
Bà Võ Thị Bình Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình cho biết, đối tượng mạo danh nói đúng tên, trường, lớp của học sinh dễ khiến phụ huynh tin tưởng. Cùng với tâm lý lo lắng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT của con, phụ huynh có thể làm theo yêu cầu của kẻ xấu. Một phụ huynh bị chiếm đoạt khoảng 10 triệu đồng. Ngay sau đó, ngoài việc thông báo cho nhà trường, phụ huynh đã báo công an.
“Nhà trường lập tức gửi thông báo khẩn đến từng phụ huynh học sinh lớp 12 để cảnh báo về hình thức lừa đảo này, đồng thời khuyến cáo không làm theo bất kỳ yêu cầu nào từ người lạ liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mọi hướng dẫn, chỉnh sửa thông tin học sinh đều do nhà trường thực hiện trực tiếp và trao đổi với học sinh, phụ huynh thông qua giáo viên chủ nhiệm”, bà Bình Minh nhấn mạnh.
Giữa tháng 4/2025, liên quan đến tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 - 2026, một số đối tượng mạo danh ban giám hiệu các trường gọi điện cho phụ huynh với lý do “yêu cầu xác nhận mã định danh mức độ 2 cho học sinh” nhằm phục vụ công tác tuyển sinh. Họ yêu cầu phụ huynh cung cấp thông tin cá nhân qua các đường link lạ, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, ví điện tử, gây thiệt hại tài chính.
Trước đó một tháng, nhiều phụ huynh ở TPHCM cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu làm hồ sơ hoàn trả học phí theo quy định của Bộ Chính trị. Những người này xưng là nhân viên phòng giáo dục hoặc nhà trường. Một số phụ huynh đã làm theo và bị mất tiền.
Các đối tượng lừa đảo luôn thay đổi nội dung liên hệ: Hoàn trả học phí, tuyển sinh đầu cấp hay điều chỉnh thông tin dự thi tốt nghiệp THPT.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sở đã thông tin đến phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức và các trường về hiện tượng lừa đảo này, yêu cầu đơn vị rà soát, nắm bắt tình hình để kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
“Riêng công tác tuyển sinh đầu cấp năm nay, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố có trách nhiệm đảm bảo tất cả học sinh cuối cấp có mã định danh và thực hiện xác thực dữ liệu định danh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trừ những trường hợp đặc biệt).
Với trẻ 6 tuổi chưa học mầm non, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện sẽ chỉ đạo UBND phường, xã phối hợp công an phường, xã thu thập, rà soát thông tin nơi ở thực tế, cập nhật danh sách lên hệ thống và thông báo để phụ huynh xác nhận”, ông Quốc cho biết.
Ở góc độ nhà trường, ban giám hiệu và giáo viên đã chủ động tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn lạ. Bà Vũ Thị Hồng Châu - Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long cho hay, thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, nhà trường và thầy cô luôn nhắc học sinh không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Học sinh được tuyên truyền để hiểu rõ các thủ đoạn lừa đảo qua mạng.
“Đặc biệt, thông qua nhóm phụ huynh lớp, giáo viên chủ nhiệm đã khuyến cáo phụ huynh không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện bất kỳ thao tác nào theo hướng dẫn từ những cuộc gọi, tin nhắn không rõ ràng nhằm tránh bị lừa đảo. Trong đó nhấn mạnh tất cả thông tin liên quan đến tuyển sinh đầu cấp hay Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo rõ đến học sinh và phụ huynh qua các kênh chính thống”, bà Châu nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên (TP Thủ Đức, TPHCM) có 2 con năm nay vào lớp 6 và lớp 10 không dưới 2 lần nhận được cuộc gọi từ số điện thoại của người xưng là cán bộ phường và thông báo thiếu thông tin mã định danh của trẻ chuẩn bị tham gia tuyển sinh đầu cấp.
Sau đó, đối tượng yêu cầu cập nhật thông tin theo link mà người này cung cấp. Tuy nhiên do nắm rõ thông tin về tuyển sinh từ nhà trường và đã thực hiện các bước xác thực thông tin trên trang tuyển sinh đầu cấp theo hướng dẫn của giáo viên nên chị luôn cảnh giác trước những cuộc gọi lạ.