Công an huyện Ba Vì phối hợp với Ngân hàng Agribank (chi nhánh huyện Ba Vì) kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt 500 triệu đồng...
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CATP, chủ công là Cảnh sát hình sự đã tập trung khám phá 132/153 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra trong những tháng đầu năm 2023. Trong quá trình điều tra, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ 165 đối tượng liên quan và làm rõ thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra gần 14 tỷ đồng.
Nhiều mánh khoé lừa đảo tinh vi
Trong quá trình phát hiện, điều tra làm rõ các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội được biết thủ đoạn hoạt động tội phạm rất tinh vi, đa dạng.
Một số tài liệu tội phạm công nghệ cao sử dụng lừa đảo
Các đối tượng phạm tội kêu gọi đầu tư hoặc mua bán, sử dụng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ để chiếm đoạt tài sản của người bị hại; hoặc trực tiếp gặp gỡ người bị hại, giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo để hứa hẹn can thiệp vào hoạt động của cơ quan, tổ chức để có lợi cho người bị hại; làm thủ tục đưa người đi nước ngoài học tập, lao động, du lịch; làm giả con dấu, giấy tờ; lợi dụng hoạt động tâm linh để chiếm chiếm đoạt tài sản…
Tài liệu tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Một dạng khác, các đối tượng lập website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền để kêu gọi đầu tư; giả danh cán bộ Nhà nước đe dọa người bị hại; hack tài khoản của người bị hại; lừa người bị hại nhận quà, hoặc lừa người bị hại trúng thưởng để chiếm đoạt tài sản. “Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm so với trước đó, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, số tiền chiếm đoạt cao. Tội phạm còn lừa đảo qua hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất; bán lại các vé máy bay, gói nghỉ dưỡng giá rẻ và tình trạng giả danh cơ quan thi hành pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng… đã diễn ra. Đặc biệt, tội phạm lừa đảo qua không gian mạng có diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nhưng vẫn còn xảy ra các vụ lừa đảo qua mạng, người bị hại chủ yếu sinh sống tại nông thôn, người không có việc làm và thu nhập không ổn định tại thành thị” - Chỉ huy Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội chia sẻ.
Ngoài các dạng tội phạm lừa đảo phổ biến nêu trên, gần đây các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tội phạm dạng này đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về hồ sơ giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, sau chuyển nhượng lại cho nhiều người, hoặc sử dụng số tiền trên vào mục đích khác để chiếm đoạt tài sản.
Một dạng khác là các đối tượng sử dụng thủ đoạn bán lại vé máy bay, gói nghỉ dưỡng giá rẻ. Lợi dụng việc mua bán vé máy bay giá rẻ, gói nghỉ dưỡng, tua du lịch giá rẻ trên mạng internet, sau khi người người bị hại chuyển tiền cho đối tượng để mua các vé máy bay giá rẻ, gói nghỉ dưỡng, du lịch giá rẻ, tội phạm chiếm đoạt số tiền trên của người bị hại.
Cho vay tiền online cũng là thủ đoạn mới, được tội phạm lợi dụng tâm lý vay tiền thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục…, các đối tượng lập ra các trang quảng cáo trên mạng xã hội (zalo, facebook...) chạy quảng cáo để tiếp cận người bị hại. Sau đó, các đối tượng giới thiệu là công ty tài chính tư nhân liên kết với các ngân hàng, có khả năng hỗ trợ vay tiền với lãi xuất thấp, thủ tục nhanh, hỗ trợ các trường hợp bị nợ xấu rồi yêu cầu người bị hại chuyển tiền với nhiều lý do như làm phí hồ sơ, đóng tiền lãi, đóng tiền bảo hiểm, từ đó chiếm đoạt số tiền của những người có nhu cầu vay.
Tội phạm lợi dụng công nghệ cao
Trao đổi với các trinh sát Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phóng viên ANTĐ được biết gần đây các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Tinder... để kết bạn rồi làm quen với người bị hại. Sau một thời gian quen biết, đối tượng giới thiệu, dụ dỗ, lôi kéo người bị hại tham gia đầu tư tiền vào các sàn giao dịch điện tử, theo giới thiệu các sàn đều có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, thậm chí người chơi còn được đội ngũ chuyên gia của sàn hướng dẫn đặt lệnh giúp chắc chắn thắng, nhưng bản chất các sàn này đều là phần mềm do đối tượng lập ra. Sau một thời gian giao dịch, các đối tượng để cho người bị hại rút được một số tiền nhất định tạo lòng tin, rồi dụ dỗ người bị hại tiếp tục chuyển tiền vào để đầu tư. Khi người bị hại muốn rút tiền thì hệ thống báo lỗi và yêu cầu mở tài khoản mới và phải đóng phí để rút tiền, nhưng sau khi đã chuyển tiền vào thì không lấy lại được số tiền đã chuyển và bị chiếm đoạt số tiền trên…
Tinh vi hơn, các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok và tài khoản iCloud để quảng cáo, gửi tin nhắn iMessage đến máy điện thoại của người bị hại về nội dung tuyển dụng việc làm có thu nhập cao và đề nghị liên lạc theo số điện thoại trong tin nhắn, quảng cáo. Sau khi người bị hại liên lạc nhận làm việc, được đối tượng giao việc chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng chỉ định, sau đó chuyển khoản trả tiền cho người bị hại (cả tiền gốc và tiền công với lợi nhuận lớn). Sau một vài giao dịch thành công và nhận được tiền công, do nhìn thấy lợi nhuận lớn và tin tưởng đối tượng sẽ chuyển trả lại tiền nên các bị hại đã thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng chuyển số tiền lớn đến các tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định để được hưởng tiền công, sau đó đối tượng không chuyển trả tiền như đã hứa hẹn và cắt liên lạc với bị hại.
Từ công tác điều tra, khám phá các vụ án lừa đảo của lực lượng Cảnh sát hình sự cho thấy, các đối tượng chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo hoạt động các đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ yếu là người nước ngoài, tổ chức thuê các tổ hợp chung cư cao tầng, nhiều tòa nhà khép kín tại các khu vực giáp biên giới Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Việc lừa đảo được tiến hành với các kịch bản được xây dựng cụ thể, chi tiết, từng công việc được phân công cho từng bộ phận khác nhau. Các đối tượng sử dụng số tài khoản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường là các số tài khoản được mua cũ, hoặc thuê người mở tài khoản tại các ngân hàng, sau đó sử dụng các số tài khoản đó để nhận tiền lừa đảo được. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau và chuyển tiền ra nước ngoài…
Theo Đại tá Nguyễn Thế Hùng, trưởng Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội, hoạt động tội phạm lừa đảo rất tinh vi, đa dạng. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, thời gian vừa qua lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng của CATP và Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn phát hiện, điều tra khám phá nhanh và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn tinh vi. Công an các quận, Nam Từ Liêm, Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông… đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và điều tra làm rõ nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao…Mới đây, CAQ Hoàng Mai đã làm rõ vụ đặt mua “sổ đỏ” giả, lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng. Đối tượng gây án lên mạng xã hội đặt mua "sổ đỏ" giả, rồi mang đi vay tiền. Với thủ đoạn này, đối tượng đã chiếm đoạt được 125 triệu đồng của bị hại là một phụ nữ nhẹ dạ… Trước đó, Công an huyện Ba Vì phối hợp với Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ba Vì đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền người bị hại với số tiền lên tới 500 triệu đồng.
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, theo Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, mỗi người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.
“Trên thực tế, cơ quan Công an hay các cơ quan Nhà nước khác không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng Internet. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc…” - Đại tá Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.