Đến ngày 3/6, miền Bắc huy động hụt khoảng 5.000 MW lượng thủy điện do hầu hết hồ lớn của vùng đã về gần mực nước chết. Các hồ như Lai Châu và Hủa Na, Thác Bà, Sơn La, Tuyên Quang chỉ còn đủ để khai thác trong 0,4-0,9 ngày. Riêng thủy điện Lai Châu và Sơn La hiện phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết, tiềm ẩn nhiều rủi ro vận hành.
Thủy điện Thác Mơ (Bình Phước) cũng cạn trơ đáy do không có nước về.
Lượng nước trong hồ chứa thủy điện không đủ để vận hành khiến cả 3 tổ máy phải 'đắp chiếu'
Ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ - cho biết, dung tích hồ chứa Bản Vẽ hơn 1,8 tỷ m3, trong đó dung tích hữu ích từ cao trình 155 m - 200 m là 1,3 tỷ m3 nước. Hiện nay, mực nước hồ đang ở mức 159,25 m, thấp hơn 19 m so với cùng kỳ. Mực nước này chỉ cao hơn 4 m so với mực nước chết và dung tích hữu ích còn lại chỉ còn hơn 90 triệu m3.
Mực nước tại thủy điện lớn nhất Nghệ An là Bản Vẽ cũng được dự báo chỉ còn đủ để nhà máy vận hành trong 6-8 ngày tới là phải dừng hoạt động
"Với thời tiết diễn ra cực đoan như hiện tại, khi hồ thủy điện Bản Vẽ tiếp tục xả nước theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì sau khoảng 6 - 8 ngày nữa, hồ thuỷ điện Bản Vẽ sẽ về mực nước chết ở cao trình 155m”, ông Hùng cho biết.
Thủy điện lớn khác ở phía Bắc là Thác Bà cũng ở mực nước chết. Nước trong hồ chứa cạn đến mức lộ nguyên cửa hầm dẫn nước.
Thủy điện Tuyên Quang với công suất 342 MW cũng phải dừng hoạt động cả 3 tổ máy vì ở mực nước chết, nước ở hồ không đủ chạy máy.
Theo dự báo, trong nửa cuối tháng 6 và hết mùa khô nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng cực đoan thì hạ lưu sông Cả sẽ xảy ra hiện tượng thiếu nước cấp cho hạ du và nguy cơ không đáp ứng đủ điện lên hệ thống.