Qua mỗi bữa ăn, học sinh không chỉ được thưởng thức mà còn học được nhiều điều về sản phẩm địa phương hay các món ăn quốc tế.
Sau khi "bong bóng kinh tế" Nhật Bản vỡ vào năm 1991, đất nước này trải qua giai đoạn suy thoái kéo dài. Chính phủ bắt đầu cải cách hành chính và tài chính để giảm chi tiêu, và các bữa trưa học đường cũng không ngoại lệ. Năm 1997, nội các quyết định cắt giảm dần các hệ thống đảm bảo nguồn cung ổn định cho bữa trưa.
Việc chính phủ bỏ chính sách giảm giá gạo cho bữa trưa học đường vào tháng 3 năm 2000 là một trong những biện pháp chấm dứt hệ thống cung cấp tập trung đã tồn tại từ những năm đầu sau chiến tranh. Từ đó, thực phẩm được sử dụng tại các trường học bắt đầu phản ánh đặc điểm và điều kiện của từng tỉnh.
Ảnh hưởng bởi phong trào "ăn sản phẩm địa phương", vào năm tài chính 1998, Sở Giáo dục Saitama đã đưa ra khẩu hiệu hứa hẹn mang "phúc lành hương vị địa phương" vào bữa trưa học đường. Một giáo viên từng tham gia thời điểm đó nhớ lại ban đầu không hề suôn sẻ. "Chúng tôi phải vật lộn để mọi người hiểu lý tưởng của mình, nên chúng tôi bắt đầu bằng việc trực tiếp đến gặp nông dân, thuyết phục họ và đề nghị họ cung cấp thực phẩm trực tiếp."
Tại Imizu, tỉnh Toyama, một sáng kiến từ hiệp hội hợp tác nghề cá đã đưa món đặc sản địa phương cao cấp là cua tuyết đỏ vào thực đơn bữa trưa học đường. Đại diện hiệp hội đã nói chuyện với các em học sinh về loài cua này, bao gồm cả phương pháp đánh bắt và cách ăn, kết hợp cơ hội thử món ăn nổi tiếng của vùng với việc tìm hiểu về nó.
Trong một thời gian, việc các gia đình cùng nhau ăn bữa cơm trở nên khó khăn hơn khi trẻ em đi học thêm về muộn và nhiều gia đình có cả bố và mẹ đều đi làm. Sự gia tăng của các cửa hàng đồ ăn nhanh và cửa hàng tiện lợi cũng khiến việc ăn nhanh trở nên rẻ và dễ dàng. Nhiều thay đổi nhanh chóng trong thói quen ăn uống đã dẫn đến lo ngại về chế độ ăn uống thiếu cân bằng của trẻ em.
Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách giải quyết vấn đề này thông qua giáo dục về thực phẩm qua các bữa trưa học đường. Mục tiêu là dạy trẻ em về thực phẩm và hình thành thói quen tốt để có cách ăn uống lành mạnh.
Bước đầu tiên là việc đưa giáo viên dinh dưỡng vào trường học từ tháng 4/2005, sau đó Đạo luật Giáo dục Dinh dưỡng và Thực phẩm được thông qua vào tháng 7 cùng năm. Tháng 6/2008, một sửa đổi Đạo luật Chương trình Bữa trưa Học đường đã quy định tầm quan trọng của shokuiku, tức là giáo dục về thực phẩm và dinh dưỡng.
Sáu lĩnh vực sau đây là những điểm nhấn chính trong giáo dục này:
Mục tiêu chung là nuôi dưỡng các kỹ năng giúp trẻ sống tốt thông qua việc ăn uống lành mạnh suốt cuộc đời. Các nỗ lực sử dụng nguyên liệu địa phương và xây dựng thực đơn đáp ứng xu hướng quốc tế hóa đều nằm trong bối cảnh này.
Những năm Nhật Bản đăng cai các giải đấu thể thao lớn, thực đơn bữa trưa học đường trở nên đa dạng hơn. Trong kỳ FIFA World Cup 2002, Rugby World Cup 2019 và Thế vận hội Tokyo 2021, các khu vực đón tiếp các đội tuyển quốc tế đã kết hợp các món ăn của quốc gia đó vào bữa ăn cho học sinh.
Các chính quyền địa phương cũng đưa ra các thực đơn dựa trên món ăn của các thành phố nước ngoài có mối quan hệ hữu nghị. Điều này tạo ra sự khác biệt, ví dụ, sử dụng nhiều đậu và cà chua hơn trong các công thức từ châu Mỹ, hoặc thịt và khoai tây trong các món ăn châu Âu. Dù du lịch nước ngoài đã phổ biến hơn, đây là cơ hội để thử những món ăn mới từ các vùng khó đến thăm từ Nhật Bản, mang lại lợi ích học tập lớn.
Nhật Bản hiện đang có 3 phương thức chính để cung cấp bữa trưa học đường. Đầu tiên là trường tự nấu ăn trong bếp riêng, thứ hai là các trung tâm nấu ăn tập trung rồi phân phối cho nhiều trường, và thứ ba là các phương pháp khác như thuê đơn vị tư nhân cung cấp.
Mỗi phương pháp đều được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa phương. Trong mọi trường hợp, an toàn là yếu tố tiên quyết, với các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt từ quản lý cơ sở đến xử lý và chế biến thực phẩm.
Để đối phó với các rủi ro như đợt bùng phát norovirus đột ngột và tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ em gia tăng gần đây, các biện pháp có hệ thống liên tục được triển khai, như cập nhật sổ tay hướng dẫn và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp.
Chi phí bữa trưa học đường thường do chính quyền địa phương và phụ huynh/người giám hộ cùng chi trả. Chính quyền chi trả cho cơ sở vật chất, sửa chữa, nhân công và tiện ích, trong khi gia đình chi trả tiền thực phẩm.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), tính đến tháng 5/2023, bữa trưa học đường được cung cấp cho khoảng 9,2 triệu trẻ em tại 29.204 trường tiểu học và trung học cơ sở trên khắp Nhật Bản.
Trong khi đó, một khảo sát của Văn phòng Nội các năm 2021 cho thấy 14% trẻ em, tương đương khoảng 1 trong 7 em sẽ nhận được một hình thức hỗ trợ công cộng nào đó để đảm bảo có bữa trưa tại trường. Hệ thống bữa trưa học đường dựa trên lý tưởng đảm bảo mọi trẻ em đều có bữa ăn, bất kể hoàn cảnh gia đình. Điều này vẫn đúng ngay cả trong thời đại được xem là đủ đầy như hiện nay.