Mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt ô tô qua cầu Rạch Miễu trong khi thiết kế chỉ phục vụ 4.000 - 6.000 lượt xe. Vì thế có chống kẹt, phân luồng từ xa, cấm xe tải nặng qua cầu, xả trạm thu phí, kể cả đầu tư cả trăm tỉ để làm phà tạm... để chống kẹt cầu cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Chỉ khổ cho lực lượng chức năng, vất vả mà vẫn chưa thể đem lại thông thoáng cho người qua cầu.
Đến hẹn lại lên, người xe lại chôn chân khi qua cầu. Ai qua cầu Rạch Miễu mà không hướng mắt về công trường thi công cầu Rạch Miễu 2, rồi không bàn, không hỏi về ngày được qua cầu mới xây...!
Buồn nhưng vẫn hy vọng. Phải lùi thời gian hoàn thành nhưng đừng lùi quá lâu. Cầu được thông xe sớm ngày nào dân vui ngày đấy. Cố lên, bài học tăng tốc, giữ tiến độ có cả rồi.
Tinh thần vượt khó, linh động, quyết tâm, quyết liệt... đã được áp dụng trên hàng loạt tuyến hạ tầng quan trọng khác của đất nước như tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đánh thức dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, chạy đua đền bù giải tỏa trên đường vành đai 3 ở khu vực TP.HCM... phải được vận dụng ở dự án cầu Rạch Miễu 2. Thiếu tiền sẽ cấp đủ tiền, thiếu cát sẽ có mỏ cát, vướng mặt bằng sẽ tăng tốc đền bù giải tỏa.
Biết là chủ đầu tư, nhà thầu và các địa phương đều đã cùng chung tay quyết tâm xây dựng cây cầu mơ ước nhưng phải thừa nhận là gỡ nhưng chưa hiệu quả, vẫn lỡ hẹn với người dân đồng bằng.
Giờ thử "chơi lớn" được không?! Như đại diện chủ đầu tư khẳng định dự án vẫn về đúng tiến độ năm 2025 hoàn thành không phải lùi lại 2026 nếu giải quyết được hai vấn đề.
Đó là nguồn cát cho dự án phải đảm bảo đủ, cung cấp kịp thời và sớm giao 100% mặt bằng sạch trong quý 3-2023.
Trước đây, nhiều người vẫn không tin dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi đó còn ngổn ngang có thể thông xe vào dịp lễ 30-4. Chỉ đến khi bon bon trên đường vào ngày này mới tâm phục khẩu phục.
Từ bài học của đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, người dân miền Tây khi nghĩ về cầu Rạch Miễu 2 luôn đau đáu "đúng hẹn được mà".