Cầu trượt thoát hiểm cho nhà cao tầng

02/06/2023, 07:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giải pháp thoát hiểm nhà cao tầng bằng hệ thống cầu trượt sẽ khắc phục được những nhược điểm mà các giải pháp thoát hiểm hiện nay đang mắc phải.

Cầu trượt thoát hiểm nhà cao tầng được kỹ sư Trần Văn Tuấn (phường 8, quận Tân Bình, TPHCM) nghiên cứu sáng chế ứng dụng trong những tình huống xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dùng.

Hạn chế ảnh hưởng của khói, khí độc

Trên thị trường hiện có một số giải pháp thoát nạn, như cầu trượt thoát hiểm được lắp tích hợp vào thang bộ, ống vải thoát hiểm... Theo ông Tuấn, các giải pháp này đều dẫn tới khả năng cao gây tai nạn.

Ví dụ, ống vải gây ra va chạm, còn cầu trượt không có lan can đi qua những khúc cua theo cầu thang có thể gây té ngã. Với các loại thang dây thoát hiểm, tác giả cho rằng, ở những căn hộ tầng cao và tâm lý hoảng loạn, họ khó có thể đảm bảo an toàn khi leo từ trên cao xuống.

“Thường các tòa nhà cao tầng chủ đầu tư chỉ xây hệ thống thoát hiểm bằng cầu thang bộ bên trong tòa nhà. Vì vậy, khi xảy ra cháy nổ do khói và lửa bốc lên làm cho mọi người dễ bị ngộp thở, đồng thời có thể xảy ra dẫm đạp lên nhau.

Giải pháp thoát hiểm nhà cao tầng bằng hệ thống cầu trượt sẽ khắc phục được những nhược điểm mà các giải pháp thoát hiểm hiện nay đang mắc phải”, kỹ sư Trần Văn Tuấn cho hay.

Hệ thống cầu trượt thoát hiểm nhà cao tầng được thiết kế và thi công bao gồm một hành lang chung trong tòa nhà có lối ra liên thông với các hành lang bên ngoài. Cùng với đó là các cửa thoát hiểm, được thiết kế bên ngoài từng căn hộ, kết nối với nhau bằng các chiếu nghỉ và cầu trượt thoát hiểm.

Hệ thống có thể lắp đặt bên ngoài tòa nhà nên không chiếm diện tích, hạn chế được khói, cháy nổ trong tòa nhà gây ảnh hưởng việc thoát nạn. Cầu trượt thoát hiểm cũng được bố trí chiếu nghỉ giữa các tầng, mỗi khu vực khoảng 1,5m ở cạnh nhau.

Ông Tuấn cho biết, thiết kế chiếu nghỉ là để hạn chế việc chen lấn nhau trong quá trình thoát hiểm, giảm bớt các tai nạn đáng tiếc xảy ra đặc biệt với phụ nữ mang thai, trẻ em, người già... Các máng trượt được thiết kế có độ nghiêng 30 - 40 độ đảm bảo độ dốc không quá lớn để không gây đau khi va vào nhau.

Tùy theo kết cấu tòa nhà, bề rộng máng trượt và vách lan can có kích thước từ 0,8 - 1m. Trong khi trượt, người dùng có thể vịn tay vào lan can để giảm tốc độ, tránh va chạm với người xung quanh.

Theo ông Tuấn, khu vực thoát hiểm bên ngoài tòa nhà có thể thiết kế có mái che hoặc quây kín bằng lớp bảo vệ để vừa đảm bảo an toàn, vừa có thể giữ được độ bền. Vật liệu xây dựng hệ thống thoát hiểm có thể làm bằng thép, đảm bảo chịu lực, độ bền.

“Hệ thống này dễ thi công kể cả những tòa nhà có sẵn hay mới xây”, ông nói. Về chi phí, tác giả cho rằng hệ thống thoát hiểm bằng cầu trượt không cao hơn so với các loại thang bộ hiện hữu trong tòa nhà.

Hiện, sản phẩm mới ở dạng mô hình, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích hồi tháng 1/2022.

Cầu trượt thoát hiểm kiêm đồ chơi cho trẻ

Mục đích khác nữa của hệ thống cầu trượt thoát hiểm nhà cao tầng, ngoài tính năng dùng làm phương tiện thoát hiểm ra, còn có ưu điểm là có thể dùng làm phương tiện vui chơi giải trí cho các em hàng ngày.

Đây là mô hình rất thiết thực trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn tại các tòa nhà gây thiệt hại lớn về người thời gian qua. Thường một tòa nhà cao tầng có thể lấp đặt từ một, hoặc hai hệ thống cầu trượt thoát hiểm trở lên, tùy theo chu vi cũng như số mặt dựng của tòa nhà cao tầng nhiều hay ít và số lượng cư dân sinh sống trong tòa nhà, sao cho phù hợp yêu cầu thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Mô hình đã được Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đánh giá cao và đưa vào thực hiện khảo sát vào tháng 9/2022. Với những giá trị mà mô hình cầu trượt thoát hiểm mang lại, Cục Cảnh sát PCCC gợi ý tác giả nên phối hợp các cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan để thử nghiệm, đánh giá, tính toán thiết kế cụ thể.

Cơ quan này cũng cho rằng tác giả cần xem xét một số yếu tố như khả năng thoát nạn khi có khói độc, tốc độ trượt cho phép, sự phù hợp của thang đối với những nhóm người khác nhau như phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật...

Đồng thời, các chuyên gia cũng đề xuất tác giả xem xét sử dụng vật liệu để đảm bảo độ dẫn nhiệt thấp, không gây nóng trong quá trình thoát hiểm. Ngoài ra, khu vực chiếu nghỉ cần nghiên cứu về độ bền vì khi trượt ở vận tốc cao, nhiều người cùng xuống khu vực này nên cần có vật liệu có khả năng chịu lực lớn để đảm bảo an toàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cầu trượt thoát hiểm cho nhà cao tầng