Cây mã đề mọc hoang dại trong tự nhiên, rất giàu đạm và chất dinh dưỡng, vậy cây mã đề có công dụng gì với sức khoẻ?
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, lá cây mã đề giàu canxi và các khoáng chất khác, 100g lá chứa một lượng vitamin A tương đương với củ cà rốt. Toàn thân chứa một glucozit gọi là aucubin hay rinantin còn gọi là aucubozit. Trong lá có chất nhầy, chất đắng, carotin, vitamin C, vitamin K. Trong hạt chứa chất nhầy, axit plantenolic, adnin và cholin.
Cây mã đề rất giàu chất đạm cùng các chất dinh dưỡng, bao gồm beta carotene, canxi, vitamin C và K, các dưỡng chất thực vật như allantoin, apigenin, aucubin, baicalein, axit oleanolic, sorbitol và tanin.
Trong đó beta carotene giúp tăng cường thị lực và chống lại ung thư, canxi giúp xương chắc khỏe và là yếu tố cần thiết cho hệ thần kinh khỏe mạnh, vitamin C giúp chống lại ung thư và giảm căng thẳng, vitamin K cần thiết cho máu và sức khoẻ của mạch máu.
Lá cây mã đề được dùng làm rau. Ở Việt Nam lá cây mã đề non được dùng làm rau như các loại rau cải khác. Lá rau mã đề non được dùng để ăn sống cùng các loại rau ghém khác, nhất là ăn chung với các loại rau rừng khác. Lá rau mã đề non cũng được dùng để xào, nấu các món canh rau mặn và chay.
Canh mã đề nấu với tôm, thịt ăn rất ngon và tác dụng giải nhiệt, tiểu tiện dễ dàng. Chú ý, khi ăn uống vị mã đề cần kiêng kị những chất kích thích đưa vào cơ thể gây nóng như rượu, cà phê, gia vị.
Nhiều nước ở châu Á và vùng Đông Nam Á khác đều dùng lá cây mã đề non để làm rau. Ở Nhật Bản rau mã đề được dùng để ăn sống và nấu các món súp hải sản truyền thống. Ở Nam Mỹ và người bản địa Bắc Mỹ dùng lá Mã đề non để ăn như món salad xanh và lá già dùng để hầm, nấu với thịt.
Theo quan điểm của Đông y, cây mã đề được dùng làm thuốc là cây mọc hoang dại trong tự nhiên, giống cây mã đề được trồng là giống mã đề lá lớn có giá trị dược liệu kém hơn các giống mã đề hoang dại (lá nhỏ) mọc trong môi trường tự nhiên.
Theo Đông y, mã đề vị ngọt, tính lạnh, đi vào các kinh, can, thận và bàng quang; tác dụng chữa đái rắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lị, nhức mắt, đau mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu.
Trong y học cổ truyền Việt Nam, mã đề được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam.
Tại Ấn Độ, chất nhầy được chiết xuất bằng cách nghiền vỏ hạt của một loài mã đề có tên Plantago ovata để bào chế loại thuốc nhuận tràng được bán như là Isabgol, một loại thuốc nhuận tràng để điều trị chứng đường ruột bất thường và táo bón.
Nó cũng được sử dụng trong một số ngũ cốc để điều trị chứng cao cholesterol mức độ nhẹ tới vừa phải cũng như để làm giảm lượng đường trong máu. Nó từng được sử dụng trong y học Ayurveda và Unani của người dân bản xứ cho một loạt các vấn đề về ruột, bao gồm táo bón kinh niên, lỵ amip và bệnh tiêu chảy.
Tại Bulgaria, lá của Plantago major được sử dụng làm thuốc để chống nhiễm trùng ở các vết đứt hay vết xước nhờ các tính chất kháng trùng của nó. Các vị thuốc sau từ cây mã đề:
- Xa tiền tử (Semen plantaginis) là hạt phơi khô hay sấy khô của mã đề.
- Mã đề thảo (xa tiền thảo, Herba plantaginis) là toàn cây bỏ rễ phơi hay sấy khô.
- Lá mã đề (Folium plantaginis) là lá tươi hoặc sấy khô.
Theo Đông y, cây mã đề tính lạnh, vị ngọt, giúp thanh nhiệt, mát máu, phát hãn, làm sáng mắt và còn nhiều công dụng khác. Điều này không có nghĩa mọi người đều có thể sử dụng loại cây này.
Trên đây là những thông tin liên quan đến "cây mã đề có công dụng gì với sức khoẻ?". Theo lương y Bùi Đắc Sáng, sử dụng mã đề chú ý kiêng chất kích thích, gây nóng như rượu, bia, cà phê, các loại gia vị nóng.