(GDTĐ) - Cây mỏ quạ là dược liệu quý trong y học cổ truyền. Mỏ quạ có tính mát, vị đắng, tác dụng khứ phong, phá ứ, làm mát phổi và giãn gân... Vị thuốc này được dùng trong nhiều bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, bế kinh, lao phổi, phế nhiệt...
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây Mỏ quạ
Cây mỏ quạ dùng làm thuốc có thể ở dạng thuốc đắp ngoài da, sắc thành thuốc uống, nấu rượu hoặc thậm chí là nấu thành cao lỏng để sử dụng. Sau đây là một số bài thuốc từ cây mỏ quạ nên tham khảo:
Trị ho do lao phổi: Chuẩn bị 40g rễ cây mỏ quạ, 30g rung rúc, 20g hoàng liên ô rô, 20g bách bộ. Đem các nguyên liệu đi rửa sạch và sắc với khoảng 700ml nước cho tới khi cạn một nửa. Gạn lấy nước và chia làm 3 lần uống trong ngày. Dùng liên tục trong 15 ngày cho tới khi giảm ho.
Với trường hợp ho có đờm vàng và sốt do lao phổi, cần dùng 63g rễ mỏ quạ với 12g bách bộ. Cũng đun lấy nước và chia thành 2 lần uống mỗi ngày.
Nếu bị ho ra máu, cần chuẩn bị rễ mỏ quạ đã được rửa sạch, cạo sạch lớp vỏ bên ngoài rồi thái mỏng. Đem sao lên trên lửa nhỏ rồi mang đi sắc lấy nước uống ngày 3 lần. Liên tục trong vài ngày tới khi giảm được cơn ho.
Trị bế kinh: Chuẩn bị 30g rễ mỏ quạ đã rửa sạch bụi đất. Thái nhỏ rồi đem sắc với 500ml nước tới khi cạn còn 200ml. Chia làm 2 lần uống mỗi ngày và sử dụng liên tục trong 10 ngày trước kỳ kinh nguyệt.
Chữa phong thấp: Cần tìm 40g mỏ quạ, 20g các vị thuốc thiên niên kiện, cành dâu, quế nhục và rửa sạch các nguyên liệu. Cho tất cả vào ấm sắc thuốc đun nhỏ lửa cho tới khi cạn còn 250ml nước. Chia thành 2 lần uống trong ngày, dùng liên tục 10 ngày và theo dõi cải thiện bệnh.
Nếu bị đau nhức chân tay, đau lưng do phong thấp thì có thể dùng cách kết hợp với rượu như sau: Chuẩn bị 250 rễ mỏ quạ rửa sạch và thái mỏng, tẩm với 1 ít rượu trắng khoảng vài tiếng cho rượu ngấm vào trong. Sau đó đem sao vàng với lửa nhỏ, rồi sắc lấy nước uống hàng ngày.
Trị các chấn thương phần mềm: Đối với vết thương mới, cần khử trùng bằng nước lá trầu không nấu lên và để nguội, sau đó thêm phèn phi vào và rửa vết thương. Sau đó mới dùng một nắm lá mỏ quạ đã bỏ cuống, rửa sạch và giã nát. Đắp lá lên trên vết thương và rửa lại, thay băng mỗi ngày 1 lần.
Trường hợp nếu vết thương chậm lành thì dùng bài thuốc sau: Dùng một nắm lá mỏ quạ và một nắm lá bòng bong rửa sạch, giã nát rồi đắp lên trên vết thương. Cùng dùng cách rửa vết thương với nước trầu không như trên. Tuy nhiên sẽ thêm lá hèn the giã nát vào cùng mỏ quạ và bòng bong sau khi thực hiện được 3-4 ngày. Thực hiện cách đắp vết thương thêm 3 ngày rồi đổi thuốc.
Chữa mụn nhọt sưng đau: Chuẩn bị 20g vỏ rễ cây mỏ quạ đã rửa sạch bùn đất, giã nát rồi đắp lên vùng bị mụn nhọt. Thực hiện mỗi ngày 1 lần và liên tục vài ngày tới khi mụn giảm sưng đau.
Chữa co giật do bệnh kinh giản: Chuẩn bị 20g các vị thuốc mỏ quạ, hạt cau (binh lang), thảo quả. Đem sắc thành nước uống hàng ngày 3 lần và dùng liên tục 1 tháng cho tới khi bệnh thuyên giảm.
Chữa sỏi mật, sỏi đường tiết niệu: Với sỏi mật, cần chuẩn bị 30g trần bì, 30g kim tiền thảo, 15g mỏ qua, 12g uất kim, 10g xuyên quân. Tất cả được làm sạch và sắc thành nước uống hàng ngày.
Với sỏi đường tiết niệu, hãy chuẩn bị 25g đậu vảy rồng, 15g các vị thuốc mỏ quạ, hoạt thạch, đồng quỳ tử, râu mèo, 12g ngưu tất. Cho các nguyên liệu sắc thành thuốc uống mỗi ngày.
Chữa chứng thận hư: Cần dùng tới 15g mỗi vị thuốc mỏ quạ, vương bất lưu hành, hoài ngưu tất, hoàng tinh, hải kim sa. Thêm vào 20g kim tiền thảo, 30g hoàng kỳ rồi đem tất cả nguyên liệu đi sắc thành nước uống hàng ngày.
Điều trị ung thư dạ dày và thực quản: Bài thuốc cần tới các loại dược liệu như rễ mỏ quạ, mã tiên thảo, tam lăng. Rửa sạch nguyên liệu rồi sắc thành nước thuốc dùng để uống hàng ngày
Một số lưu ý khi sử dụng cây Mỏ quạ
Cách dùng và liều lượng: Chỉ dùng 12-40g mỗi ngày nếu uống, không nên lạm dụng quá nhiều.
Dùng ngoài da cần thử nghiệm trước trên vùng da khỏe để đảm bảo không bị kích ứng.
Không dùng vị thuốc mỏ quạ cho phụ nữ có thai.
Nếu gặp các tác dụng phụ thì nên ngừng thuốc và tới ngay bác sĩ để được tư vấn.