"Cây sáng kiến" đưa cải lương vào tiết học Văn

Công Chương | 28/03/2022, 06:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là một trong số 50 nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2021 của Sở GD&ĐT TPHCM, cô Nguyễn Như Thủy có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, giúp học trò cuốn theo từng giờ học.

Cô Nguyễn Như Thủy nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2021. Ảnh: C.Chương

Hạnh phúc khi có thể làm điều mình yêu thích

Cô Thủy còn có nhiều sáng kiến khác được công nhận cấp quận, cấp thành phố như “Tích hợp trong công tác chủ nhiệm”, “Kết hợp hoạt động trải nghiệm và mở rộng không gian lớp học”, “Xây dựng tập thể lớp vững mạnh”, “Vận dụng kiến thức liên môn vào tiết dạy văn bản lớp 9”, “Giải pháp hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Lớn lên cùng sách”, “Giải pháp tạo hứng thú cho học sinh lớp 9 trong tiết học văn bản qua hoạt động khởi động”...

Từ năm 2011 đến 2021, cô Thủy liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và thành phố, được tặng nhiều bằng khen của chủ tịch UBND TPHCM… Cô Thủy cho rằng, hạnh phúc với mình không phải có thật nhiều tiền, nhiều bằng khen… mà là mỗi ngày đều có thể làm điều mình yêu thích. Với cô, niềm hạnh phúc là được đứng trên bục giảng, được truyền đạt vốn hiểu biết của mình cho học trò. Và để niềm hạnh phúc theo năm tháng, bản thân cô luôn phải trui rèn tri thức để tự làm mới mình trong mỗi tiết học.

“Nhìn những ánh mắt thích thú, nghe những lời sẻ chia của học sinh trong quá trình tìm hiểu tri thức tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi nghe các em bộc bạch “Con chờ đến tiết học của cô”. Sự chờ đợi ấy của học sinh là động lực cho giáo viên rèn luyện thêm tri thức và phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Tôi tin rằng, thầy, cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi được cả thế giới”, cô Nguyễn Như Thủy chia sẻ.

Hơn 16 năm không ngừng nỗ lực sáng tạo, cô Thủy là một trong 50 nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2021 của Sở GD&ĐT TPHCM. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, giải thưởng Võ Trường Toản là giải thưởng cao quý nhất đối với đội ngũ sư phạm của TPHCM. “Kết quả đánh giá trong 5 năm học gần nhất của ứng viên được xét chọn phải đạt “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, tổ chức và thực hiện tốt, có hiệu quả hoạt động giảng dạy trên môi trường Internet, kết hợp với dạy học qua truyền hình và các phương thức phù hợp trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp…”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Trước khi đến với môn học, em Huỳnh Thị Quỳnh Như (học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú, TPHCM) không biết về nghệ thuật cải lương. Sau khi học tiết dạy của cô Thủy, Quỳnh Như cho biết: “Em cảm thấy yêu thêm nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc và vô cùng tự hào về nó. Mong sao nó sẽ ngày càng phát triển”. Tương tự, em Lê Minh Hạnh chia sẻ: “Qua quá trình học với cô Thủy, em rất tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam. Không những vậy, em còn học được rất nhiều điều qua nền nghệ thuật đặc sắc ấy”.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/cay-sang-kien-dua-cai-luong-vao-tiet-hoc-van-OK1inNsng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/cay-sang-kien-dua-cai-luong-vao-tiet-hoc-van-OK1inNsng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Cây sáng kiến" đưa cải lương vào tiết học Văn