Cha mẹ cần chấn chỉnh những hành vi xấu của trẻ

Hà Minh | 09/11/2023, 06:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Trẻ có những hành vi tưởng là nhỏ nhưng nếu cha mẹ không chấn chỉnh ngay sẽ hình thành thói quen rất xấu.

khoc.jpg
Cha mẹ cần chấn chỉnh những hành vi xấu của trẻ.

Ngắt lời người khác đang nói

Khi người lớn đang nói chuyện với nhau hoặc nói chuyện điện thoại, trẻ có thể nói xen vào để thu hút sự chú ý, gây ấn tượng hoặc đòi hỏi ưu tiên. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải dừng cuộc nói chuyện và nghiêm túc bảo trẻ chờ đợi họ kết thúc cuộc nói chuyện nếu không có việc gì thật sự gấp gáp.

Ngay sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, cha mẹ cần chú ý quay lại lắng nghe con trẻ trình bày và giải quyết các vấn đề của con.

Làm như vậy nhiều lần, trẻ sẽ luôn yên tâm rằng cha mẹ không bỏ qua những vấn đề chúng nếu chúng thực sự biết chờ đợi.

Đòi mua đồ chơi, bánh kẹo... ngay lập tức

Khi cùng đi mua sắm ở siêu thị, ở chợ hay cửa hàng tạp hóa, trẻ sẽ lập tức chọn món đồ của mình và đòi hỏi phải được cha mẹ trả tiền ngay lập tức. Hành vi này xuất phát từ suy nghĩ cho rằng cha mẹ được chọn món đồ của cha mẹ thì trẻ cũng được chọn món đồ của trẻ.

Nếu không được đáp ứng, lập tức trẻ sẽ cảm thấy bất công và có thể khóc lóc, quẫy đạp, ăn vạ cha mẹ ngay tại chỗ.

Để tránh trường hợp này, cha mẹ cần thảo luận trước cho con biết về danh sách những món đồ thực sự cần mua, mua ở đâu và số tiền như thế nào. Nếu con trẻ có đề xuất về món đồ mà trẻ cần thì cha mẹ và trẻ phải thảo luận xem có quyết định mua món đồ đó hay không.

Khi thống nhất trước rồi, trẻ sẽ hạn chế được phần nào hành vi ăn vạ và thói quen đòi hỏi không hợp lý.

Trẻ nói lời thô lỗ

Trẻ thường bắt chước người lớn trong cách giao tiếp với người khác, nhất là những người có sự ảnh hưởng cao so với những người khác.

Do đó, cha mẹ cần làm gương nói những lời lịch sự, đúng mực với nhau và với trẻ. Thông qua giao tiếp, trẻ sẽ học được sự tôn trọng và tình cảm yêu quý.

Bên cạnh đó, đối với những người lớn nói lời lỗ mãng, cha mẹ cần chỉ dạy cho con về cách nói thiếu lịch sự và những giao tiếp thiếu tôn trọng để con có ý thức so sánh.

Cha mẹ cũng phân tích cho con các tình huống có thể sử dụng hình thức giao tiếp khác nhau đối với những người khác nhau để con hiểu và học hỏi.

danh-ban.jpg
Ảnh minh hoạ.

Bình phẩm ác ý đối với người khác

Nếu cha mẹ hay người lớn thường xuyên có sự bình phẩm chê bai người khác thì trẻ cũng sẽ học theo.

Chúng không hiểu đó là hành vi thiếu lịch sự và thiếu tôn trọng. Chính trẻ cũng sẽ bị tổn thương nếu có người khác bình phẩm ác ý như vậy đối với trẻ.

Do đó, cha mẹ cần phân tích cho con hiểu về cách nhận xét hay bình luận về đặc điểm của người khác ở góc độ khách quan hơn, tôn trọng hơn và suy nghĩ tích cực hơn.

Sợ bị bỏ rơi

Những trẻ sợ bị bỏ rơi thường đã có trải nghiệm hoảng sợ trong khi ở một mình. Do đó, trẻ sẽ luôn quanh quẩn ở gần cha mẹ hoặc đeo bám cha mẹ.

Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ cần giải quyết nỗi sợ hãi của con bằng việc bình tĩnh ở bên con, luôn có thái độ ôn hòa và sẵn sàng hỗ trợ khi con cần.

Dần dần, cảm giác an toàn và được bảo vệ sẽ quay trở lại với con, giúp con tự tin hơn khi ở một mình.

Nói dối

Nguyên nhân dẫn đến hành vi nói dối của trẻ chính là vị sợ cha mẹ phạt nặng nề hoặc mắng mỏ.

Cũng có thể trẻ bắt chước người lớn trong những lần người lớn nói dối “vô hại” như khi đi tiêm chủng hoặc khi từ chối nhu cầu gì đó của con.

Tuy nhiên, cha mẹ cần định hướng trẻ để có thể nhận thức chuẩn xác hơn ranh giới của sự thật và các câu chuyện hư cấu hoặc các lời nói dối “vô hại”. Cha mẹ cũng không nên bác bỏ các nhu cầu của con hoặc sa đà vào việc mắng nhiếc, phạt con quá nặng khi con nói dối.

Hãy cho trẻ một khoảng “sửa sai” và độ tin cậy để trẻ dũng cảm nói thật với cha mẹ. Hành vi trung thực của trẻ cũng cần được khuyến khích, thưởng để trẻ hình thành thói quen chịu trách nhiệm với hành động của bản thân.

Hơn hết, cha mẹ luôn cần định hướng cho con đi tìm các giải pháp hợp lý khi nảy sinh vấn đề hoặc nhu cầu. Có như thế, trẻ mới thực sự trung thực.

Chơi quá thô bạo

Ngay khi trẻ có hành vi thô bạo như đánh bạn cùng chơi, đánh cha mẹ, .. cha mẹ cần có cách xử lý ngay. Nếu không, chính hành vi đó sẽ trở thành thói quen bắt nạt người khác của trẻ.

Cha mẹ hãy tách trẻ ra, chỉ cho trẻ thấy hành vi đó là sai. Nếu trẻ tái phạm, cha mẹ có thể xử phạt trẻ hoặc cho trẻ chịu các hành vi tương tự.

Tất nhiên, cha mẹ không cần quá nghiêm khắc với mọi hành động hàng ngày của con nhưng những hành vi trên của trẻ đều là cách hành vi không đúng mực, tiếp diễn nhiều lần sẽ trở thành các thói quen xấu.

Cha mẹ cần phải kiên nhẫn khắc phục ngay để con trẻ kịp thời điều chỉnh, giúp cho việc phát triển tính cách tốt hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha mẹ cần chấn chỉnh những hành vi xấu của trẻ