Trồng người

Cha mẹ cần chuẩn bị những gì khi con vào lớp 1

Phạm Hoa 06/07/2024 07:32

(GDTĐ) - Thời điểm con chuẩn bị bước vào lớp 1 là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng của chính các con và cũng là giai đoạn khó khăn, nhiều lo lắng của các bậc phụ huynh.

Đối với các bé mẫu giáo việc chuẩn bị bước chân vào lớp 1 dường như là bước ngoặt lớn. Ở giai đoạn này, các bé sẽ phải đối diện với những thay đổi lớn như môi trường học, phương pháp giảng dạy, xã hội xung quanh, thói quen sinh hoạt,... Quá trình chuyển giao này còn ảnh hưởng nhiều đến sự tìm tòi học tập, tính chủ động trong việc tiếp thu kiến thức và hình thành phẩm chất của trẻ. Do đó, để các bé không quá bỡ ngỡ khi chuyển cấp, ba mẹ cần có những chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chuẩn bị tâm lý cho con khi con vào lớp 1

Trẻ em đã dành ít nhất là 3 năm cho mái trường mầm non với các hoạt động chủ yếu là vui chơi. Khi chuyển sang giai đoạn cấp 1 với chương trình học tập cùng giờ giấc hoàn toàn mới, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy lạ và có phần hoang mang. Do đó, đầu tiên, để trẻ có thể sớm hòa nhập với môi trường tiểu học, cha mẹ cần hỗ trợ cho con về mặt tâm lý và tinh thần.

Nếu ngay từ buổi đầu đi học, trẻ đã được chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm lý thì trẻ sẽ có suy nghĩ rằng đi học là một việc rất thú vị. Ngược lại, nếu trẻ chưa chuẩn bị sẵn sàng mà bị chuyển thẳng vào lớp 1 thì các bé sẽ rất dễ nảy sinh tâm lý sợ hãi, áp lực… khi đi học.

Để chuẩn bị cho trẻ một tâm lý tốt nhất khi vào lớp 1, các bậc cha mẹ có thể cho trẻ tiếp cận, làm quen với mô hình lớp 1 từ trước như: tham quan trường, đưa bé đi mua đồ dùng học tập, đồng phục mới,… Đặc biệt, cha mẹ không nên hù dọa hoặc kể những tiêu cực liên quan đến việc học lớp 1 như “nếu con khóc nhè thì cô giáo sẽ đánh đòn”, “con đi học không ngoan thì bố mẹ sẽ không thương con nữa”… . Bởi điều này vô hình trung sẽ rất khiến cho trẻ cảm thấy sợ hãi hoặc ác cảm với việc học

Cần chuẩn bị gì khi con vào lớp 1? Cha mẹ đừng bỏ quên các dụng cụ học tập

Ngoài tâm lý, một vấn đề mà cha mẹ không thể quên đó là chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập cho các bé. Một số đồ dùng cơ bản cần chuẩn bị gồm có:

Rèn sự tự tin cho bé

Khi bước chân vào lớp 1, trẻ sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều thầy cô, bạn bè mới. Điều này khiến nhiều bé cảm thấy sợ hãi và ngại giao tiếp với người xung quanh. Nếu điều này diễn ra thường xuyên sẽ khiến bé không dám nói lên những thắc mắc của mình đối với thầy cô.

Do đó, trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ nên rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho con mình bằng cách cho các bé tiếp xúc với nhiều người hơn. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng đừng quên lắng nghe trẻ nhiều hơn để trẻ có thể thoải mái nói ra những suy nghĩ, mong muốn của bản thân.

Kỹ năng học tập

Để con không quá bỡ ngỡ khi học lớp 1, ba mẹ cần cho con rèn luyện các kỹ năng đọc, viết chữ cái tiếng Việt, để con nhanh chóng tiếp thu việc học cách đánh vần một cách hiệu quả. Ở những giai đoạn đầu khi mới học chữ, ba mẹ nên để con đồng hành với những thầy cô có kinh nghiệm.

Qua đó, con có thể ghi nhớ chữ cái và tiếp thu vô cùng nhanh chóng. Tại nhà, ba mẹ cũng nên tạo không gian cho con cọ xát nhiều hơn với bảng chữ cái thông qua các tấm poster, flashcard với những hình ảnh sinh động và đọc cùng con. Ngoài ra, các bài hát, video hướng dẫn cách đọc bảng chữ cái cũng rất tốt cho việc học của con.

Biết viết tên mình

Nhằm tạo hứng thú cho con trong việc tập đọc và tập viết, ba mẹ hãy dạy con viết đầy đủ họ và tên của mình. Nếu bé đã có thể tự tay viết được tên của mình, bé cũng sẽ muốn viết thêm những chữ cái khác như tên của ba mẹ hoặc những điều mà bé thích.

Để giúp bé viết tên của mình, bước đầu ba mẹ chỉ cần in hoặc viết tên của con lên giấy bằng những nét gạch và sau đó để con viết theo những nét có sẵn. Tốt hơn hết ba mẹ nên chọn những phông chữ to, rõ ràng và sắc nét để bé dễ nhìn. Sau khi bé đã quen tay, ba mẹ hãy để bé tự viết lại tên của mình.

Biết đếm số

Song song với bảng chữ cái, những con số cũng sẽ là môn học đồng hành với bé tại lớp 1. Trước tiên, ba mẹ cần dạy con đếm số lượng các đồ vật, để dễ nhớ ba mẹ hãy sử dụng những đồ vật quen thuộc trong nhà để làm ví dụ và tập đếm cùng bé để con không cảm thấy nhàm chán.

Sau khi đã quen với việc đếm số, ba mẹ có thể bắt đầu dạy con phân biệt các mặt chữ số từ 0 đến 9. Để tạo cho con sự hứng thú, ba mẹ hãy kết hợp các phương pháp học khác nhau như vừa viết vừa đọc to rõ các chữ số, diễn tả bằng ngôn ngữ hình thể, tô màu các con số.

Biết cách đặt câu hỏi

Thế giới xung quanh luôn tồn tại những điều mới lạ đối với trẻ. Đặc biết khi bước vào lớp 1, trẻ sẽ bắt gặp những điều chưa bao giờ được thấy trước đây, từ đó kích thích sự tò mò của trẻ. Những câu hỏi được bé đặt ra thường là cách để con khơi dậy trí thông minh, khả năng tư duy và thỏa trí tò mò của mình.

Do đó, ba mẹ hãy luôn đáp lại mọi câu hỏi của bé cho dù chúng có phức tạp đến đâu. Nếu câu hỏi này ngoài phạm vi hiểu biết, ba mẹ có thể tra cứu thêm thông tin hoặc nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh để trả lời câu hỏi của con.

Ngoài ra, ba mẹ nên hướng dẫn con đặt những câu hỏi có tính trọng tâm và khuyến khích trẻ tự mình tìm ra câu trả lời dưới sự hướng dẫn của người lớn. Nhờ việc tự mình tìm ra câu trả lời có thể giúp trẻ nhớ lâu hơn và cảm thấy thú vị với những bí ẩn của Thế giới xung quanh.

Kỹ năng giao tiếp, chào hỏi

Bước vào môi trường mới, một số trẻ thường có khuynh hướng sợ sệt và tỏ ra khá rụt rè khi giao tiếp với thầy cô và bạn bè mới. Nếu không có kỹ năng giao tiếp tốt, trẻ rất khó hòa nhập và biểu đạt những điều mình muốn nói. Nếu không sớm khắc phục, trẻ sẽ trở nên thu mình lại và thầy cô cũng sẽ không hiểu được các vấn đề mà trẻ gặp phải.

Để trẻ có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và cởi mở hơn, ba mẹ cần khuyến khích trẻ giao tiếp nhiều hơn trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong thời gian trẻ còn học mầm non. Hãy trao cho trẻ cơ hội được thể hiện bản thân, học cách lắng nghe và trò chuyện cùng người khác và tập cho trẻ thói quen chào hỏi, lễ phép với người lớn tuổi.

Kỹ năng làm quen, kết bạn

Làm quen, kết bạn là kỹ năng cần thiết khi trẻ bước vào lớp 1. Khi được rèn luyện kỹ năng này từ sớm, trẻ sẽ không gặp quá nhiều trở ngại trong việc làm quen và bắt chuyện với bạn mới. Từ đó tạo tâm thế tự tin hơn để mở rộng các mối quan hệ với những bạn trong và ngoài lớp.

Một số bé có tính cách hướng nội, thường không thích giao tiếp hay tiếp xúc với người lạ. Vì vậy, ba mẹ không nên ép trẻ mà thay vào đó nên khuyến khích bé tự giới thiệu bản thân và hướng dẫn một số cách làm quen với bạn mới bằng cách riêng của bé. Trong những ngày đầu đi học, ba mẹ hãy tạo động lực để con mạnh dạn giới thiệu bản thân và làm quen với những người bạn mới.

Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi

Sẽ thật tuyệt vời nếu trẻ biết nói lời "cảm ơn và xin lỗi" một cách chân thành, đúng nơi và đúng chỗ ngay từ nhỏ. Qua đó, trẻ sẽ thể hiện sự tôn trọng của mình đối với thầy cô và bạn bè xung quanh mỗi khi nhận được sự giúp đỡ hay phạm phải một lỗi lầm nào đó.

Ba mẹ hãy giúp bé tự giác nhận lỗi và mạnh dạn nói lời xin lỗi với người khác cho dù họ là ai. Rèn luyện thói quen không đổi lỗi cho người khác, tự nhìn nhận lỗi của bản thân để tự sửa đổi. Hoặc mỗi khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác, hãy hướng dẫn bé bày tỏ lời cảm ơn với người đó một cách chân thành nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha mẹ cần chuẩn bị những gì khi con vào lớp 1