Phát triển thói quen tự chăm sóc bản thân ngay từ khi còn nhỏ là tiền đề cơ bản cho sự tự lập. Để trẻ tự mặc quần áo, tự trải chăn, tự chuẩn bị đồ dùng, tự tắm... đừng vì cảm thấy trẻ làm mất thời gian mà thực hiện giúp.
Những điều này tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng thực chất lại là vấn đề lớn liên quan đến việc sau này trẻ có thể tự chăm sóc bản thân, có khả năng tự tồn tại và phát triển hay không. Ngoài ra, để tạo thêm động lực cho trẻ, cha mẹ hãy dành cho chúng những lời khen ngợi thật nhiệt tình khi hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Cha mẹ nên để con tự làm bài tập, không can thiệp, làm giúp quá nhiều, điều này giúp con nâng cao tinh thần trách nhiệm. Khi con bạn về nhà, chúng nên có một lịch trình cụ thể những việc cần làm, trong đó có bài tập về nhà.
Lưu ý, khi con làm bài tập thì bố mẹ không nên xem TV, nghe nhạc quá to tiếng để con trẻ có thể tập trung. Nếu đứa con nhỏ của bạn gặp khó khăn khi bắt đầu làm bài tập về nhà, hãy dành thời gian giúp đỡ con. Giảng bài, hướng dẫn con cách học hợp lý là những việc cần thiết. Tuy nhiên, chỉ nên giúp con trong thời gian đầu và những khi cần thiết, còn lại hãy để con tự giải quyết bài vở của mình.
Khi một đứa trẻ lớn lên, thường có nhiều vấn đề đòi hỏi gia đình phải đưa ra quyết định và những lựa chọn này thường liên quan đến lợi ích lâu dài của đứa trẻ. Ví dụ: "Con có muốn tham gia các lớp học piano, lớp học tiếng Anh không?". Con học một lớp hay nhiều lớp? Con nên điền vào trường nào và chuyên ngành nào trước khi thi tuyển? Trong kỳ nghỉ hè, con có tham gia các hoạt động trại hè do trường tổ chức hay đi các địa điểm khác không?
Cho rằng con còn nhỏ, chưa biết gì nên nhiều bậc cha mẹ thường quyết định thay con, thậm chí ép con tham gia một số hoạt động khiến trẻ không hài lòng. Về vấn đề này, cha mẹ có thể giới thiệu các tình huống khác nhau cho con cái, phân tích ưu và nhược điểm, sau đó khuyến khích con suy nghĩ, đưa ra quyết định một cách độc lập và đồng thời chịu trách nhiệm tương ứng. Đó cũng là một cách tuyệt vời để giúp con bạn phát triển khả năng tự chăm sóc và tự lập.
Chỉ vì con còn nhỏ nên nhiều cha mẹ không coi trọng ý kiến của con, thậm chí phớt lờ khiến con không có cơ hội bày tỏ. Tuy nhiên, trẻ em dũng cảm bày tỏ ý kiến của mình là biểu hiện của sự tự chăm sóc bản thân và tự lực, đồng thời cũng là dấu hiệu của sự trưởng thành và tự tin. Cha mẹ nên tích cực khuyến khích con bày tỏ quan điểm của mình.
Khi ý kiến của mình được cha mẹ đánh giá cao hoặc chấp nhận, trẻ sẽ cảm thấy mình có giá trị, điều này cũng sẽ thôi thúc trẻ xem xét một số vấn đề sâu sắc hơn và trở nên tự chủ hơn.