Có nhiều cách để thể hiện sự quan tâm, yêu thương mọi người trong cuộc sống. Con cái sẽ nhìn vào cách cha mẹ hành xử để học tập theo. Nếu như ba mẹ hay ân cần, quan tâm ông bà, các bạn nhỏ thì trẻ cũng sẽ noi gương theo. Ngược lại, cha mẹ thờ ơ, mặc kệ mọi chuyện không phải là của mình thì con bạn cũng hình thành cảm xúc như vậy với người khác.
Hành xử vô cảm chính là dùng những hành động hay lời nói vô trách nhiệm, không để ý tới cảm xúc, sự an nguy của người khác. Họ coi mình là trung tâm thế giới, còn người khác như kẻ vô hình. Sau này, rất có thể con sẽ chỉ quan tâm đến chuyện của bản thân mà không chú ý đến những người xung quanh, dần dần sẽ trở nên cô độc.
Mỗi khi con làm được chuyện gì, nhiều cha mẹ có xu hướng tâng bốc con lên tận trời xanh. Nào là "Không ai giỏi bằng con của mẹ", "Con là giỏi nhất thế gian, hơn bạn A, B, C"... Sự thái quá này khiến trẻ nghĩ rằng mình là nhất, là trung tâm vũ trụ. Từ đó, nếu không may gặp thất bại, việc trẻ phải đối mặt thật sự quá khó khăn.
Trên thực tế, trẻ làm điều gì chưa tốt thì chúng ta cần chỉ cho còn những chỗ chưa được chứ không nên phủ định hoàn toàn sự nỗ lực của trẻ. Khi trẻ làm tốt điều gì đó, hãy cho trẻ biết chỗ nào đáng được khen ngợi, mà không nên khen trẻ như siêu nhân, để rồi một ngày trẻ phát hiện ra mình không biết bay, lúc đó cú ngã sẽ rất đau.
Ngược lại, có nhiều cha mẹ chê bai con quá mức mà không để ý đến cảm xúc của trẻ. "Có mỗi việc thế mà không làm được", "Sao lại có đứa con dốt như thế này"... những lời mỉa mai như vậy khiến con tự dán nhãn bản thân là đứa trẻ không ra gì, từ đó hình thành tâm lý tự ti, tương lai trở nên kém cỏi.