Hơn nữa, những lời nhắc nhở này thường mang tính tiêu cực, người lớn liên tục chỉ ra những khuyết điểm của trẻ con. Họ đang truyền cho con thái độ tiêu cực thay vì hướng con tới những điều lạc quan, tích cực trong mọi tình huống.
Trong cuộc sống, nếu chúng ta cứ tập trung vào những điều mình muốn tránh, càng không muốn xảy ra, nó càng có nhiều khả năng xảy ra. Cha mẹ đừng tiêu tốn quá nhiều sức lực của mình vào những thứ không cần thiết.
Điều đáng sợ hơn việc làm sai là bị bố mẹ dán nhãn
Khi cha mẹ thấy con mình làm điều sai, họ liền trách móc, vô tình dán nhãn lên con mình.
"Sao con lại bất cẩn như vậy? Con luôn viết sai chữ".
"Tại sao con lại ích kỷ như vậy, con không biết chia sẻ hả?".
"Tại sao con lại rụt rè như vậy?".
"Tại sao con chẳng bao giờ nhớ lời mẹ nói, toàn làm điều mẹ bực bội".
Điều nguy hiểm hơn những lời chỉ trích từ thế giới bên ngoài chính là sự phủ nhận của cha mẹ. Những lời nói tưởng chừng như đang nhắc nhở trẻ em này thực chất lại khiến chúng càng sợ hãi và cảnh giác hơn.
Vì trẻ cảm thấy không bao giờ có thể làm hài lòng cha mẹ nên về lâu dài sẽ nghi ngờ bản thân, thậm chí cho rằng mình là người vô dụng.
Cha mẹ có ý tốt và muốn con sửa chữa khuyết điểm để trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, sự cằn nhằn và buộc tội liên tục trở thành gánh nặng cho trẻ. Cha mẹ đang vô tình gắn cho con mình quá nhiều "nhãn dán" tiêu cực.
Trẻ mắc lỗi là chuyện nhỏ nhưng quan trọng là để chúng học cách giải quyết vấn đề.
Khi thấy trẻ làm đổ sữa, đừng mắng chúng trước mà hãy bảo nên dùng giẻ lau sạch lúc này.
Khi thấy phòng của con mình bừa bộn, đừng chỉ trích trước mà hãy đề nghị con bắt đầu dọn dẹp phòng của mình.
Khi thấy con không thể tập trung học bài, đừng cằn nhằn mà hãy thử đặt điện thoại xuống và cùng con học.
Đừng đổ lỗi khi có chuyện xảy ra, cha mẹ hãy tập trung vào việc hướng dẫn trẻ giải quyết vấn đề. Bổn phận của cha mẹ không phải là thường xuyên "đàn áp" con cái mà là trao quyền và hướng dẫn chúng.