Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học

Tú Anh (TH) | 01/10/2022, 16:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại nhiều quốc gia, sức khỏe tâm thần gắn liền với giáo dục văn hóa, là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. 

Tuy nhiên, khi xã hội dần phát triển, học sinh Mỹ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như bạo lực học đường, tự tử ở tuổi vị thành niên, xả súng trường học... Những điều này vừa có nguyên nhân vừa gây ra những vấn đề tâm lý đáng lo ngại cho học sinh như trầm cảm, rối loạn lo âu... Chính vì vậy, các phòng tham vấn học đường đi sâu vào hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh, thậm chí cả giáo viên, nhân viên và tách thành hoạt động tham vấn tâm lý.

Các cơ sở giáo dục bắt đầu tuyển dụng chuyên gia tư vấn tâm lý làm cố vấn hoặc chuyên viên tâm lý học đường; đồng thời, hợp tác với các tổ chức tâm lý tổ chức tọa đàm, trò chuyện với học sinh về các vấn đề tâm lý. Năm 1969, Hiệp hội các nhà tư vấn tâm lý học đường Hoa Kỳ được thành lập. Đến năm 2000, tư vấn tâm lý học đường đã trở nên phổ biến trong các trường học Mỹ, được tổ chức tại hơn 200 trường học.

Bên cạnh hoạt động tư vấn tâm lý, các trường triển khai giáo dục cảm xúc xã hội (SEL – Social Emotional Learning) trong lớp học. Chương trình nhằm giúp học sinh điều hướng những cảm xúc tiêu cực, xây dựng khả năng đồng cảm với mọi người xung quanh, tăng cường khả năng phục hồi, giữ bình tĩnh và tập trung.

Ngày nay, các trường học Mỹ thường có một cố vấn học đường và một nhà tư vấn tâm lý học đường. Đây là hai vị trí có nhiệm vụ và công việc khác nhau.

Cố vấn học đường là những người lắng nghe, hỗ trợ và giúp đỡ học sinh giải quyết các khó khăn trong nhận thức, cảm xúc và hành vi, qua đó phát triển nhân cách, định hướng nghề nghiệp và hình thành lối sống lành mạnh. Trong khi nhà tư vấn tâm lý học đường, còn gọi là chuyên viên tâm lý học đường, là người hỗ trợ các vấn đề tâm lý của học sinh, giáo viên, đôi khi cả phụ huynh, đặc biệt là những đối tượng trong nhà trường có vấn đề về hành vi và cảm xúc.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học ảnh 3

Tham vấn tâm lý học đường là hoạt động phổ biến tại Mỹ.

Tháo gỡ khó khăn

Tại Đông Nam Á, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh được đánh giá là một trong những phương pháp tiếp cận giáo dục hứa hẹn, thúc đẩy mối quan tâm về sức khỏe tâm thần nói chung. Năm 2019, các chuyên gia đến từ Trường Đại học Gifu, Trường Đại học Philippines Manila và Trường Đại học Ryukyus đã tiến hành nghiên cứu thực trạng và so sánh hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở các quốc gia châu Á để đánh giá việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Kết quả cho thấy, trong các quốc gia Đông Nam Á, Singapore là nước chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh tương đối toàn diện trong khi Malaysia, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Campuchia đưa giáo dục sức khỏe tâm thần vào môn học thể chất hoặc kỹ năng sống. Nhưng nhìn chung, cách thức tổ chức và phạm vi tư vấn tâm lý học đường tại các nước Đông Nam Á còn hạn chế.

Đơn cử, tại Singapore, các trường phổ thông hợp tác với các nguồn lực như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, trung tâm tư vấn tâm lý... Khi học sinh gặp vấn đề tâm lý, nhà trường sẽ mời chuyên gia hoặc giới thiệu gia đình học sinh tìm đến các tổ chức tâm lý kết nối với nhà trường.

Bộ Giáo dục Singapore có một đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học nhằm giám sát sức khỏe tâm thần và thiết kế chương trình đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Còn tại Myanmar, mỗi trường học thành lập một hiệp hội phụ huynh – giáo viên (PTA), chuyên tư vấn cho học sinh gặp vấn đề tâm lý xã hội hoặc sức khỏe tâm thần. Ủy ban Sức khỏe học đường (SHC) chịu trách nhiệm chăm lo cho sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, theo dõi và đánh giá sức khỏe của học sinh theo tháng.

Trong khi đó, Thái Lan hay Philippines tổ chức thí điểm mô hình tư vấn tâm lý học đường và tổ chức hội thảo, khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc về sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, cố vấn học đường, quản trị viên trường học... Ngoài ra, việc đào tạo kỹ năng làm việc về sức khỏe tâm thần cho giáo viên Đông Nam Á, ngoài Singapore, còn hạn chế.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt sau tác động của Covid-19 lên giáo dục, các nước Đông Nam Á bắt đầu quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh; đồng thời, thúc đẩy công tác tư vấn tâm lý trong trường học.

Không chỉ Đông Nam Á, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức gây ra không chỉ bởi dịch Covid-19.

Tại Đan Mạch, quốc gia có chất lượng giáo dục được đánh giá cao, học sinh cũng gặp phải áp lực học tập gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần. Trong các bài kiểm tra đo lường thành tích học tập của học sinh 15 tuổi, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, Đan Mạch thường đứng sau nhiều quốc gia trong khu vực Bắc Âu.

Để thu hẹp khoảng cách giáo dục, nhiều trường đã loại bỏ tiết học “Klassenstime” khỏi các môn học bắt buộc, tăng giáo dục văn hóa. Giáo viên có thể tổ chức học trong các tiết tăng cường, tiết tự học.

Chuyên gia giáo dục Elina Sommer nhận định: “Học sinh hiện nay chỉ biết phân biệt điều có thể làm và không thể làm, bị đo lường bởi các bảng xếp hạng lớn nhỏ. Các giá trị mềm như khả năng đồng cảm, niềm hạnh phúc... đang dần bị phai nhạt”.

Còn tại Mỹ, theo nghiên cứu về sức khỏe tâm thần học đường năm 2016 do NPR thực hiện, gần 80% trẻ em không nhận được các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại trường học, từ đó dẫn đến tình trạng nghỉ học triền miên, thành tích học kém, thường xuyên gây rối và bỏ học. Nguyên nhân bắt nguồn từ thiếu nhân lực và vật lực để triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý và cải thiện sức khỏe tâm thần trong trường học.

Nhiều trường, cố vấn học đường phải kiêm nhiệm tư vấn tâm lý dù chuyên môn còn hạn chế. Nếu muốn được hỗ trợ chuyên biệt, thanh thiếu niên thường phải tìm đến các trung tâm tư vấn tâm lý thuộc Hệ thống Y tế quốc gia Mỹ, thay vì trong trường học. Tuy nhiên, nhiều em không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ tương đối đắt đỏ này.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/cham-soc-suc-khoe-tam-than-trong-truong-hoc-post609771.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/cham-soc-suc-khoe-tam-than-trong-truong-hoc-post609771.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học