Kỹ thuật kích hoạt bạch cầu ưa kiềm (Basophil activation test, BAT) là một kỹ thuật tương đối mới ở Việt Nam, nhưng đã được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới, cho độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Kỹ thuật BAT được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới, đặc biệt trong chẩn đoán quá mẫn (trước đây hay gọi là dị ứng) thuốc.
Tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán dị ứng là nghiệm pháp thử thách, có nghĩa là cho bệnh nhân ăn lại thức ăn gây dị ứng để xem phản ứng của họ. Nghiệm pháp này không phải lúc nào cũng thực hiện được và có thể gây khó chịu cho bệnh nhân.
Đối với BAT, người bệnh sẽ được lấy máu. Nhóm nghiên cứu chọn lọc các tế bào bạch cầu ưa kiềm bằng cách đánh dấu tế bào, cho ủ với các dị nguyên để mô phỏng lại cách tế bào máu của người bệnh phản ứng với các dị nguyên thức ăn khác nhau. Từ đó, đánh giá mức độ phản ứng để chẩn đoán và tiên đoán nguy cơ dị ứng của người bệnh.
“Để chuẩn hóa quy trình, nhóm thực hiện thí nghiệm lặp lại nhiều lần, chỉnh sửa từng bước một để đảm bảo điều kiện tối ưu. Đối với kỹ thuật tạo dị nguyên thô, các nghiên cứu viên thử phân tách trên nhiều loại hải sản với điều kiện thí nghiệm, bảo quản khác nhau. Còn đối với kỹ thuật BAT, tôi cùng nhóm đã “xin” máu của nhau không biết bao nhiêu lần để chạy thí nghiệm chuẩn hóa trước khi thử trên mẫu bệnh nhân”, TS.BS Kim Tú chia sẻ.
TS.BS Kim Tú cho biết, nhóm đã thực hiện các kỹ thuật trên cho các bệnh nhân dị ứng hải sản tại TPHCM và khi phân tích, kỹ thuật BAT cho thấy khả năng chẩn đoán dị ứng hải sản với độ nhạy 90%, độ đặc hiệu hơn 70%. Ngoài ra, kỹ thuật chiết xuất dị nguyên thô có khả năng tách chiết protein trực tiếp và phù hợp với nguồn thức ăn phong phú ở Việt Nam.
“Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thử trên các nhóm đối tượng dị ứng thức ăn khác và tiến tới thực hiện BAT trong nhóm bệnh nhân có phản ứng quá mẫn với thuốc” - TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú cho biết.