Thể thao

CHÂN DUNG KIẾM THỦ SỐ 1 VIỆT NAM Kỳ 3: Hành trình truyền lửa để đấu kiếm không còn là môn thể thao xa lạ

Huyền Vi 14/04/2025 23:20

Từng đứng trên bục vinh quang với vinh dự cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ đại hội lớn, Vũ Thành An giờ đây lại miệt mài trên hành trình khác – hành trình gieo mầm đam mê cho môn đấu kiếm giữa đời thường. Từ những cú chạm kiếm nơi sàn tập, từng học viên ở nhiều độ tuổi đang tìm thấy cho mình không chỉ một môn thể thao mới mẻ, mà còn là một cách sống, một niềm yêu thích được khơi dậy từ chính người thầy đặc biệt của mình

Khi nhắc đến đấu kiếm – bộ môn từng được xem là “đặc sản” chỉ xuất hiện trong các đại hội thể thao lớn hoặc những bộ phim cổ trang phương Tây, ít ai nghĩ rằng, tại Việt Nam, nó đang từng bước được lan tỏa và chiếm được trái tim của những người yêu thể thao. Và đằng sau sự lan tỏa ấy là nỗ lực bền bỉ của Vũ Thành An – kiếm thủ số 1 Việt Nam, người từng cầm cờ cho đoàn thể thao quốc gia tại nhiều kỳ SEA Games và Olympic.

Sau hành trình thi đấu đỉnh cao với những tấm huy chương sáng giá cùng dấu ấn đáng nhớ tại Olympic 2016, Vũ Thành An đã lựa chọn một con đường không kém phần thử thách cho mình, đó là mở Câu lạc bộ đấu kiếm phong trào đầu tiên tại Việt Nam, với khát vọng đưa môn thể thao này gần hơn tới cộng đồng. Tại đây, anh không chỉ là huấn luyện viên, mà còn là người truyền cảm hứng, người gieo mầm đam mê cho nhiều thế hệ học viên – từ học sinh phổ thông, người trẻ tuổi đến cả những người trưởng thành.

“Đấu kiếm là môn thể thao của tư duy” – đó là cách em Vương Tuệ Nhi, học sinh lớp 11, mô tả về bộ môn mà em và mẹ cùng lựa chọn để theo học. Biết đến đấu kiếm từ mẹ, Nhi nhanh chóng bị cuốn hút bởi sự thú vị của các trận đấu đối kháng mang đậm tính chiến thuật. “Không giống như chạy hay nhảy, đấu kiếm yêu cầu người chơi không chỉ linh hoạt mà còn phải đoán được suy nghĩ, nước đi tiếp theo của đối thủ. Điều khó nhất là khi thực chiến lúc đó mình không thể chỉ áp dụng lý thuyết, mà phải thật sự linh hoạt, ứng biến theo từng mũi kiếm của đối phương,” Nhi chia sẻ.

577d8c8921a192ffcbb0.jpg
Em Vương Tuệ Nhi học viên tại CLB. Ảnh: Anh Thư

Điều khiến em gắn bó chính là không khí luyện tập chuyên nghiệp, đầy cảm hứng tại CLB. Với Nhi, mỗi buổi thực hành đều như một “trận địa nhỏ” nơi em học cách làm chủ tâm lý, cơ thể và phản xạ. “Anh An là một người truyền cảm hứng tuyệt vời, vì không chỉ là một tuyển thủ quốc gia, anh còn luôn gần gũi, truyền lửa cho học viên như em. Em nghĩ rằng ai cũng có thể học đấu kiếm, vì đây là thời đại mới, mọi người đều có quyền tiếp cận những gì mình thích.”

Ở một góc nhìn khác, anh Phạm Hoài Anh (33 tuổi) – một học viên khác tại CLB lại cảm nhận đấu kiếm như một nghệ thuật sống. “Đây là môn thể thao đòi hỏi tư duy chiến thuật, sự linh hoạt và sức mạnh. Những thứ đó không chỉ dùng trong thi đấu, mà còn giúp tôi rất nhiều trong công việc, trong cách giải quyết vấn đề hàng ngày.” Với anh, mỗi buổi tập là một dịp để rèn luyện não bộ, rèn sự tập trung và phản xạ. “Chỉ người thực sự yêu thích nó mới có thể theo đuổi được đến cùng."

dsc05921.jpg
Anh Hoài Anh chia sẻ. Ảnh: Anh Thư

Không chỉ các học viên biết tới đấu kiếm qua người thân, bạn bè giới thiệu đã có nền tảng từ trước mà còn có những người bị hấp dẫn bởi môn thể thao này từng yêu mến đấu kiếm từ xa nay cũng có cơ hội thực hành.

Chị Trâm (26 tuổi) biết tới CLB đấu kiếm thông qua Facebook và quyết định theo học sau khi theo dõi các trận đấu tại Olympic Paris 2024, đặc biệt là khi thấy thần tượng của mình – kiếm thủ Vivian Kong của Hồng Kông đã giành HCV. “Tôi mê đấu kiếm từ hồi đó, nên đã đăng ký học đấu kiếm tại CLB của anh An. Đây là môn rất đặc biệt, kết hợp giữa phản xạ, chiến thuật và kỹ thuật cá nhân. Tôi thấy rất hay và nhất định sẽ học tới cùng!”

dsc05929.jpg
Chị Trâm phấn khích chia sẻ đam mê của mình. Ảnh: Anh Thư

Đằng sau mỗi ánh mắt say mê, mỗi tiếng kiếm va chạm rèn luyện đều có bóng dáng của người thầy tận tâm, người truyền cảm hứng mạnh mẽ. Vũ Thành An – người chọn chia sẻ đỉnh cao của mình bằng cách mở ra một cộng đồng nhỏ nhưng đầy đam mê đang từng ngày thay đổi định nghĩa của người Việt về một môn thể thao tưởng chừng xa lạ. Và chính những học viên như Nhi, anh Hoài Anh, chị Trâm… là minh chứng sống động cho việc: truyền lửa đúng cách có thể làm bừng cháy đam mê của cả một thế hệ.

dsc05937.jpg
Các học viên tập luyện tại CLB.
Bài liên quan
TÌM HIỂU VỀ ĐẤU KIẾM - MÔN THỂ THAO QUÝ TỘC Kỳ 1: Vẻ đẹp cổ điển giữa thời hiện đại
Trong thời đại mà những môn thể thao tốc độ, sức mạnh và công nghệ chiếm lĩnh sân chơi, đấu kiếm vẫn giữ vững vị thế độc đáo của mình như một biểu tượng của sự thanh lịch, trí tuệ và bản lĩnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CHÂN DUNG KIẾM THỦ SỐ 1 VIỆT NAM Kỳ 3: Hành trình truyền lửa để đấu kiếm không còn là môn thể thao xa lạ