ChatGPT: Cơ hội đổi mới kiểm tra, đánh giá sinh viên

08/02/2023, 12:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thay vì cấm hay né tránh, một số trường đại học (ĐH) trên thế giới đã cho phép sinh viên dùng ChatGPT. Việt Nam cũng đã có cơ sở đào tạo trang bị tài khoản ChatGPT cho học viên.

Không nên sợ hãi

Hôm qua, tại chương trình Bài giảng đại chúng “đổi mới sáng tạo trong giải quyết các thách thức lớn” do Trường ĐH Vinuni tổ chức, một vấn đề được giới truyền thông Việt Nam quan tâm hiện nay là ChatGPT sẽ ảnh hưởng như thế nào tới giáo dục.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường ĐH VinUni, cho biết nhiều tổ chức, nhiều trường đã dùng ChatGPT. Trường ĐH VinUni sẽ dạy cho sinh viên hiểu và sử dụng ChatGPT như thế nào.

“Sinh viên khi ra trường đi làm sẽ phải sử dụng ChatGPT. Vì vậy, không nên tránh né mà phải dạy cho sinh viên hiểu để sử dụng”, GS Buntine nói: Ông dự báo, chỉ 5-10 năm tới, sinh viên Y khoa cũng sử dụng ChatGPT phục vụ chuyên môn nói riêng và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ công việc nói chung sẽ là xu hướng tất yếu. GS Wray cho rằng, giống như Google, không nên cấm sinh viên dùng. Dự kiến tháng 3 trường sẽ đưa ChatGPT cho sinh viên sử dụng.

ChatGPT: Cơ hội đổi mới kiểm tra, đánh giá sinh viên - 1

Sinh viên luôn hứng thú với các chương trình công nghệ mới. Ảnh: Greenwich Việt Nam

ThS Daniel Ruelle, Giám đốc Chương trình Tiếng Anh và Giao tiếp, Trường ĐH VinUni, đưa ra ví dụ khi máy tính xuất hiện, nhiều người dự báo đe dọa đến môn Toán nhưng thực tế không phải như thế. Với ChatGPT, ThS Ruelle cho rằng, không nên tránh, không nên sợ mà nên sử dụng. Cần dạy sinh viên nên dùng ChatGPT một cách có trách nhiệm với xã hội và với công việc.

ThS Daniel cho biết đã sử dụng ChatGPT được 45 ngày, ChatGPT chưa hoàn hảo vì sử dụng nguồn dữ liệu trên mạng. Vì sự phản ứng nhanh của Chatbot nên mọi người tò mò. Nhưng mọi người cần bình tĩnh để đánh giá xem công cụ này như thế nào khi sử dụng. ChatGPT cũng là cơ hội để các trường ĐH thay đổi cách kiểm tra, đánh giá.

Nếu như từ trước đến nay, các trường yêu cầu sinh viên viết bài luận thì bây giờ với sự hỗ trợ của ChatGPT, hình thức này không còn phù hợp, yêu cầu các trường phải tìm phương pháp kiểm tra, đánh giá mới phù hợp hơn để đánh giá được năng lực người học.

Nguyễn Trần Anh Tài, học viên khóa diễn họa viên 3DS Max tại FUNiX, cho biết đã khai thác ChatGPT nhiều lần trên hệ thống. Đôi lúc câu trả lời của ChatGPT chưa chính xác, vẫn cần sự trợ giúp của các cố vấn chuyên môn. Tuy vậy, chatbot này đã giúp Tài mở rộng kiến thức chuyên môn.

ChatGPT có đe dọa tính liêm chính của người thầy?

Giáo sư Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng Trường ĐH Cornell (một trong 8 trường thuộc Ivy League, nhóm trường danh giá nhất nước Mỹ), khẳng định việc cấm ChatGPT là không khả thi. Bất cứ ai cũng có thể truy cập nó trên điện thoại. Muốn cấm sẽ phải huy động nguồn lực khổng lồ để ngăn chặn mọi hoạt động sử dụng AI.

Tuy nhiên, điều quan ngại hiện nay không chỉ sinh viên dùng ChatGPT trong thi cử, đánh giá mà bản thân các thầy cũng có thể sử dụng phần mềm này để viết bài báo khoa học, hay nghiên cứu khoa học.

GS Buntine cho rằng, các công trình nghiên cứu không chỉ nằm trong khuôn khổ mà ChatGPT có thể làm được, năng lực của con người có thể lớn hơn rất nhiều.

Trong tương lai sẽ có những thế hệ ChatGPT có thể làm được nhiều việc hơn nhưng để có được nó, người dùng sẽ phải bỏ ra số tiền rất lớn hoặc để sử dụng được phải có kiến thức một chuyên ngành nào đó.

Tại Việt Nam, chương trình giáo dục trực tuyến FUNiX (thuộc hệ thống giáo dục FPT) đã mua gói tài khoản để ứng dụng ChatGPT vào hệ thống học tập cho hơn 5.000 học viên từ tháng 1 vừa qua. Nhờ đó, học viên của FUNiX có thể thoải mái trải nghiệm, hỏi đáp chatbot.

Ông Trần Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Duy trì và Thúc đẩy động lực tại FUNiX, cho biết chatbot AI được sử dụng nhằm hỗ trợ học viên có thêm trải nghiệm và học tập hiệu quả, như giúp học viên tổng hợp, tóm tắt kiến thức, giải đáp thắc mắc về bài học, gợi ý và chỉ dẫn cách làm bài.

Ông Đông cho rằng, hỏi đáp là phương thức học tập cốt lõi của học viên. ChatGPT mạnh ở chỗ có thể đưa ra nhanh các câu trả lời chi tiết và dễ hiểu, nhờ đó giúp cố vấn học tập tập trung nhiều hơn vào các câu hỏi phức tạp, phát huy vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghệm thực tế. FUNiX không lo ngại về nguy cơ gian lận bởi các phiên thi tại trường là thi vấn đáp 1 thầy - 1 sinh viên nên chất lượng khảo thí luôn được đảm bảo.

Chat GPT sẽ tác động tới báo chí

Ngày 7/2, tại buổi gặp mặt với lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí, xuất bản trung ương và địa phương đóng trên địa bàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, Chat GPT là bước đột phá của trí tuệ nhân tạo, đã và đang tạo nên làn sóng cực mạnh trên internet, sẽ tác động hai mặt đến báo chí. Về mặt tích cực, Chat GPT sẽ thúc giục báo chí phải cải tiến và phát huy kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo bằng công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng. Sự xuất hiện của Chat GPT tạo ra áp lực, nếu báo chí không đổi mới thì sẽ bị tụt hậu.

Tuy nhiên, Chat GPT chỉ có thể trả lời các vấn đề theo khuôn mẫu, không thể chuyển tải tâm tư, tình cảm. Điều quan trọng không có gì thay thế được báo chí chính là quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của người làm báo để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Vân Sơn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ChatGPT: Cơ hội đổi mới kiểm tra, đánh giá sinh viên