Hợp tác kỹ thuật với Mỹ sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park-jin nói rằng, “liên minh không gian” của các nước này sẽ đặt nền móng cho quan hệ đối tác quốc tế trong lĩnh vực không gian, không chỉ bao gồm an ninh mà còn an ninh kinh tế chung và công nghệ vũ trụ tiên tiến. Ông nhấn mạnh tại diễn đàn không gian Mỹ - Hàn: “Không gian ngày càng được quân sự hóa và vũ khí hóa”. Theo ông, không gian đang giống như một bàn cờ địa chính trị khổng lồ. Do đó, việc đáp ứng lợi ích và ưu tiên của các bên liên quan để đảm bảo một không gian an toàn, chắc chắn và bền vững sẽ là một thử thách phức tạp.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Philip Goldberg cũng nhắc lại cam kết của Washington trong việc tăng cường hợp tác không gian với Seoul trên nhiều lĩnh vực. Năm 2021, Hàn Quốc đã ký Hiệp định Artemis khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tìm cách hợp nhất với các đối tác để khám phá Mặt trăng và tăng hiện diện ở hành tinh này. Seoul đã phóng tàu quỹ đạo Mặt trăng đầu tiên Korea Pathfinder trong chương trình hợp tác với NASA vào năm ngoái, mang theo ShadowCam để thu thập hình ảnh về các vùng bị che khuất vĩnh viễn gần các cực của Mặt trăng. Washington đã dỡ bỏ những biện pháp hạn chế kéo dài hàng thập kỷ đối với khả năng thử nghiệm tên lửa và rocket của Seoul – tất cả đều dựa trên công nghệ của Mỹ – trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2021, cho phép Hàn Quốc tự phát triển các phương tiện phóng.
Ông Omkar Nikam, chuyên gia về vũ trụ và quốc phòng, người đứng đầu nền tảng phân tích Access Hub, đánh giá châu Á đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt hơn các châu lục khác trong việc sản xuất vệ tinh quân sự. Nhà phân tích cho hay: “Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, tiếp theo là Australia, Hàn Quốc, New Zealand cùng các nước khác, đang nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ vũ trụ trong cả lĩnh vực vệ tinh thương mại và quân sự”.
Ông Nikam cũng cho biết, các dịch vụ vệ tinh hạ nguồn đã nhanh chóng nổi bật ở khu vực châu Á, nhưng sự phát triển thị trường thượng nguồn liên quan đến sản xuất và phóng vệ tinh lại ít rõ ràng hơn. Ông phân tích: “Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp vũ trụ thượng nguồn mang lại ưu thế cho một quốc gia nhất định, bằng cách củng cố chuỗi cung ứng trong nước và giúp các cơ quan quốc phòng phát triển tài sản của chính họ thay vì phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nước ngoài”. Nhiều quốc gia dự định phát triển và đầu tư chiến lược vào thị trường thượng nguồn của họ trong những năm tới. Vị chuyên gia cho rằng, sự hiện diện của các công ty như KT Sat và Intellian đã giúp thúc đẩy dấu ấn thương mại của Hàn Quốc trên thị trường vệ tinh hạ nguồn.
Điều này đã mang lại cho Seoul lợi thế trong việc xác định nhu cầu ở một số ngành dọc và từ đó mở rộng quy mô thị trường vũ trụ thượng nguồn, chẳng hạn như sản xuất vệ tinh. Ông tin rằng, mặc dù Mỹ là đồng minh chủ chốt, nhưng căng thẳng địa chính trị và vị trí của Hàn Quốc có nghĩa là nước này cần phát triển tài sản không gian quân sự có chủ quyền, tạo nền tảng vững chắc cho các công ty trong nước và hỗ trợ nhất quán cho họ thông qua các chương trình của chính phủ và quân đội.
Về phần mình, Giáo sư quản lý ngành hàng không vũ trụ Kim Kwang-ok tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc cho biết Mỹ khởi động dự án Artemis bằng cách mời gọi các đồng minh, trong đó có cả Hàn Quốc, vào cuộc chạy đua phát triển không gian, trong bối cảnh cạnh tranh quân sự ngày càng gia tăng với Nga và Trung Quốc. Ông nói: “Về mặt thương mại, Mỹ đã mở ra một chương mới trong lĩnh vực khám phá không gian, phát triển thành công các phương tiện phóng có thể tái sử dụng của SpaceX… chứng minh rằng ngành công nghiệp vũ trụ có hiệu quả kinh tế”.
Thị trường vũ trụ nội địa của Hàn Quốc trị giá 2,63 tỷ USD vào năm 2020, chiếm chưa đến 1% thị trường toàn cầu và vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, họ có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng cách hợp tác với ngành công nghiệp vũ trụ thống trị của Mỹ, đồng thời tận dụng các ngành sản xuất cũng như nhân lực kỹ thuật mạnh mẽ.