Thầy Dương Tiến Công, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Nhé - nơi thầy Quynh công tác, tâm sự: “Mặc dù có chuyên môn tốt, song thầy Quynh là giáo viên trẻ nên thu nhập hàng tháng không cao. Trong khi đó, nhà thầy lại ở tỉnh Sơn La, mỗi lần di chuyển rất tốn kém. Khi có cơ hội tốt hơn mời gọi thì chúng tôi không thể níu kéo”.
Việc một giáo viên Tiếng Anh xin nghỉ trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực toàn ngành khiến nhà trường gặp khó. Bởi vậy, ban giám hiệu đã nhiều lần tìm cách gặp gỡ, động viên, với mong muốn thầy Quynh ở lại. Ít nhất là trong 1 học kỳ, để trường xoay xở. Tuy nhiên, giáo viên này vẫn quyết tâm “dứt áo” ra đi. Thậm chí, thầy cũng không quay lại làm thủ tục nghỉ việc theo quy định.
Thầy Đinh Tuấn Sơn, Tổ trưởng Tổ tổng hợp và các bộ môn chuyên biệt được nhà trường giao nhiệm vụ tìm hiểu, vận động thầy Quynh. Thầy Sơn cho hay, thầy Quynh có tâm sự là rất lưu luyến với nhà trường và đồng nghiệp, học sinh. Tuy nhiên, với mức thu nhập chỉ tạm thời đảm bảo cuộc sống cá nhân thì không thể lo cho bố mẹ, vợ con.
Giáo viên Trường PTDTBT THCS Mường Nhé hướng dẫn học sinh nội trú chăm sóc vườn rau. |
“Về Sơn La, thầy Quynh đi dạy cho 1 trung tâm ngoại ngữ gần nhà. Với mức thu nhập hấp dẫn hơn thì không lý do gì để thầy ở lại. Hiện, chúng tôi cũng mất liên lạc với nhau do thầy này đã thay số”, thầy Sơn trải lòng.
Cùng với cô Ngoan, thầy Quynh, trong 2 năm học vừa qua (2020 - 2021 và 2021 - 2022), ngành Giáo dục Điện Biên ghi nhận 322 cán bộ quản lý, giáo viên thôi việc và chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Trong đó, 213 giáo viên chuyển vùng, 109 người nghỉ việc. Thống kê gần 50% trong số này có thời gian công tác trên 10 năm, nhiều người là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện…
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, cho biết: Trước thực trạng đáng “báo động”, từ cuối năm 2022, ngành đã tổ chức nhiều cuộc rà soát, thảo luận, đánh giá đồng bộ để tìm cách tháo gỡ. Trong đó có phân tích, làm rõ 6 nguyên nhân.
Ngoài nguyên nhân khách quan từ việc thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW, phần đa còn lại đều liên quan trực tiếp đến đời sống giáo viên.
Lãnh đạo sở chỉ ra, hiện chế độ tiền lương chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của giáo viên. Một bộ phận thầy cô ở miền xuôi lên công tác ít có điều kiện về thăm gia đình do giao thông đi lại khó khăn, cách trở. Địa phương cũng chưa có chính sách đặc thù hỗ trợ đời sống nhà giáo. Trong khi đó, nhu cầu ở thành phố lớn và các tỉnh miền xuôi, đặc biệt là với môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học…) ngày một cao.
“Tôi cho rằng, giáo viên nghỉ hoặc chuyển vùng đa phần đều vì bất đắc dĩ, chứ không phải không muốn gắn bó. Bởi vậy, mỗi lần nhận một lá đơn xin nghỉ việc, chuyển vùng, ngành đều rất tiếc nuối và trăn trở. Song không còn cách nào khác ngoài việc tạo điều kiện giải quyết theo nguyện vọng của thầy cô”. - Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giámđốc Sở GD&ĐT Điện Biên.
________________________________________
Bài 2: Gồng gánh lấp… khoảng trống