Thông tư 05/2025 (Thông tư 05) của Bộ GD&ĐT về Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học có hiệu lực từ ngày 22/4.
Trong đó, điểm đáng chú ý là quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ. Các trường học đã chủ động xây dựng phương án điều chỉnh phân công công tác để phù hợp cách quy đổi mới.
Từ năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) áp dụng phương án gộp tổ chuyên môn. Thay vì duy trì 5 tổ chuyên môn riêng biệt cho 5 khối lớp theo mô hình truyền thống, nhà trường tổ chức giáo viên khối lớp 1 - 2 thành một tổ và bổ sung giáo viên môn Mỹ thuật; khối 3 - 4 sinh hoạt chung, thêm giáo viên Âm nhạc.
Khối lớp 5, do đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vẫn duy trì tổ chuyên môn độc lập nhưng tiếp nhận thêm giáo viên các môn Thể dục, Tin học và Anh văn. Cách tổ chức này giúp nhà trường giảm 3 tổ trưởng, 3 tổ phó và 3 tổ trưởng tổ công đoàn so với trước đây.
Tuy nhiên, nếu áp dụng Thông tư 05 về định mức tiết dạy với giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên chủ nhiệm được giảm 4 tiết/tuần thay vì 3 tiết như hiện nay. Tổ trưởng tổ chuyên môn đồng thời là giáo viên chủ nhiệm được giảm tổng cộng 7 tiết/tuần. Với số lượng 36 lớp học như năm học 2024 - 2025, tương ứng với 36 giáo viên chủ nhiệm, nhà trường phải giảm thêm 36 tiết theo định mức mới. Hiện tại, nhà trường thiếu 3 giáo viên văn hóa do tăng số lớp, nếu áp dụng định mức mới sẽ thiếu thêm 1,5 giáo viên nữa.
Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, cho biết: “Vì thời điểm áp dụng Thông tư 05 gần cuối năm học, nhà trường vẫn giữ nguyên cách tính chế độ làm việc như cũ để tránh xáo trộn thời khóa biểu và tập trung vào ôn tập, kiểm tra cuối kỳ. Tuy nhiên, từ năm học 2025 - 2026, cần sắp xếp lại tổ chuyên môn để giảm số lượng giáo viên kiêm nhiệm, đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp và tối ưu hóa chi phí”.
Dự kiến, nhà trường chỉ còn 2 tổ chuyên môn: Tổ khối 1 - 2 - 3 và tổ khối 4 - 5. Tùy số lượng giáo viên dạy văn hóa trong tổ sẽ tính toán để sắp xếp giáo viên Anh văn, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc và Thể dục vào các tổ cho phù hợp, đảm bảo mỗi tổ không quá đông. Với phương án này, số tiết kiêm nhiệm mà giáo viên được giảm của toàn trường lên tới 84 tiết/tuần, bằng định mức tiết dạy của 3,6 giáo viên.
Trong khi năm học 2025 - 2026 tới đây, theo phê duyệt kế hoạch đội ngũ thì nhà trường không được bổ sung giáo viên. Vì vậy, nhà trường dự kiến “xóa” chức Trưởng ban Thể dục thể thao để giảm bớt 2 tiết quy đổi định mức. Phân công một giáo viên Tin học phụ trách phòng bộ môn Anh văn và Tin học để giảm thêm 3 tiết quy đổi.
Đây cũng là cách Trường Tiểu học Chi Lăng (Sơn Trà, Đà Nẵng) dự kiến áp dụng để “tái cấu trúc” tổ chức đội ngũ trong năm học mới. Việc gộp tổ, theo bà Lê Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng nhà trường, sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn.
“Hiện, công nghệ thông tin, các ứng dụng mạng xã hội hỗ trợ tổ trưởng nhiều trong trao đổi, truyền đạt thông tin tới tổ viên. Trong sinh hoạt chuyên đề thì thành viên của tổ cùng thảo luận, đóng góp xây dựng cho các tiết dạy. Công việc hồ sơ, sổ sách, kế hoạch của tổ trưởng chuyên môn, thực tế dựa trên ý kiến đóng góp của các giáo viên trong tổ”, bà Nga phân tích.
Ông Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, nhà trường không tính đến phương án nhập tổ vì tổ chức của trường đã tối ưu. Tuy nhiên, trong phân công nhiệm vụ, Ban giám hiệu nhà trường hạn chế tối đa một giáo viên kiêm 2 nhiệm vụ để đảm bảo số tiết dạy.
“Nếu tính đúng nhu cầu giáo viên thực tế, nhà trường cần 93 giáo viên. Nhưng hiện nay chúng tôi chỉ được giao 91 nhân sự và áp dụng theo cách tính cũ, chưa triển khai tính giảm trừ theo Thông tư 05. Hiện nay, Chủ tịch Công đoàn trường do 1 Phó Hiệu trưởng đảm nhận để không mất đi 4 tiết dạy theo định mức được giảm cho giáo viên kiêm nhiệm”, ông Quốc phân tích.
Với cách tính chế độ làm việc mới theo Thông tư 05, dự kiến Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm không có vị trí giáo viên phụ trách phòng bộ môn như trước. “Ví dụ, mỗi phòng bộ môn do một giáo viên đảm nhiệm thì phải giảm trừ 3 tiết dạy/người. Vì vậy, nhà trường tính đến phương án tổ chuyên môn sẽ phân công giáo viên trong tổ chịu trách nhiệm quản lý phòng bộ môn theo hình thức quay vòng”, ông Quốc dự kiến.
Tại Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (Thanh Khê, Đà Nẵng), nhà trường đang duy trì 5 tổ chuyên môn. Trong đó, giáo viên môn Tiếng Anh sinh hoạt với tổ chuyên môn khối 4. Giáo viên Mỹ thuật sinh hoạt với tổ 1. Vì trường có quy mô lớn nên mỗi tổ có khoảng 12 - 14 giáo viên, nếu gộp tổ thì số lượng mỗi tổ sẽ quá 20 người, phải cân nhắc lại hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho phù hợp.
Nêu thực tế, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đồng thời chia sẻ khó khăn khác của Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ là với môn Âm nhạc và Mỹ thuật, số lượng tiết tăng cần thay của mỗi giáo viên khoảng 2 - 3 tiết/tuần.
“Với số lượng tiết thiếu như vậy, nhà trường khó để tìm giáo viên hợp đồng nên buộc phải vận động giáo viên của trường nhận dạy thêm tiết. Các thầy cô đều dạy 26, 27 tiết/tuần nhưng lại không được phòng Tài chính thanh toán tiết vượt giờ với lý do trừ số ngày nghỉ lễ Tết, mưa bão… Thế nên mỗi năm học, giáo viên chỉ nhận được chưa đến 400.000 đồng cho số lượng lớn tiết vượt định mức là không hợp lý nhưng nhà trường không có cách gì chi trả được”, bà Hương thông tin.
Đóng chân tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Vinh thực hiện rà soát lại công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ trong trường học ngay sau khi Thông tư 05 có hiệu lực. Thông tin từ Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Điệp, giáo viên nhà trường đều kiêm nhiệm tối đa là 2 nhiệm vụ, vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa làm tổ trưởng. Vì vậy, nhà trường không có nhiều xáo trộn trong điều chỉnh, sắp xếp lại nhiệm vụ.
Tuy nhiên, số giáo viên đảm nhiệm 2 nhiệm vụ của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Vinh không nhiều. Hiện, trường chỉ có 4 tổ chuyên môn cho cả 2 cấp học. Trong đó, cấp tiểu học có 2 tổ chuyên môn gồm tổ 1 - 2 và tổ 3 - 4 - 5. Giáo viên Tin học và Anh văn cấp tiểu học sinh hoạt chuyên môn ở tổ 3 - 4 - 5. Ở cấp THCS, nhà trường chỉ có 2 tổ Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Anh văn ở cấp THCS sinh hoạt chuyên môn chung cùng tổ Khoa học xã hội. Giáo viên Thể dục sinh hoạt tổ chuyên môn chung với tổ Khoa học tự nhiên. Với cách tổ chức này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Vinh chỉ có 4 tổ trưởng, không có tổ phó nên giảm được đáng kể số tiết tính giảm cho giáo viên kiêm nhiệm.
Ông Hồ Ngọc Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, trường hiện có 6 tổ chuyên môn gồm Toán - Tin - Công nghệ; Khoa học tự nhiên - Công nghệ; Lịch sử - Địa lý; Ngữ văn - Giáo dục công dân; Giáo dục thể chất gồm có giáo viên Mỹ thuật - Âm nhạc - Thể dục và tổ Ngoại ngữ.
“Việc một giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 chức vụ về cơ bản không ảnh hưởng đến số tiết dạy cũng như nhu cầu bổ sung giáo viên vì lâu nay nhà trường hạn chế giáo viên kiêm nhiệm 2 chức vụ. Khác với đặc thù của cấp tiểu học, thường giáo viên làm nhiệm vụ tổ trưởng thì nhà trường không phân công làm giáo viên chủ nhiệm”, ông Hưng cho biết.