Diễn biến xét xử cho thấy, 50 bị cáo đều thành khẩn khai báo hành vi phạm tội. Cá nhân ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) mong muốn được cơ quan tố tụng tạo điều kiện gỡ phong tỏa tài sản, bán lấy tiền khắc phục hậu quả.
Nhóm bị cáo đều thành khẩn
Sau hai tuần xét xử và nghị án, chiều mai 5/8, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên phạt 50 bị cáo trong vụ “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn FLC.
Diễn biến phiên xét xử cho thấy, các bị cáo cơ bản đều thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn, hối lỗi vì những vi phạm của mình gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm mất uy tín trên thị trường chứng khoán.
Tất cả đều mong HĐXX cho hưởng khoan hồng, tuyên án nhẹ để sớm trở về gia đình, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết (người giữ vai trò chính trong vụ án) trả lời xét hỏi từng khẳng định, nếu tòa tuyên buộc phải bồi thường hơn 4.300 tỷ đồng, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa để khắc phục.
Theo ông Quyết, ngoài tài sản đang phong tỏa, ông không còn thêm tài sản nào khác. Trước phiên xử diễn ra, được cơ quan tố tụng tạo điều kiện, ông đã bán hãng hàng không “tâm huyết” Bamboo Airways với giá 700 tỷ đồng.
Số tiền này, phía đối tác mới trả 200 tỷ đồng, ông chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra. Khoảng 500 tỷ còn lại, thời gian tới khi đối tác chuyển thêm, ông Quyết nói sẵn sàng nộp để hoàn thành nghĩa vụ dân sự.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng nhờ gia đình huy động thêm tiền từ bạn bè, người thân.
Trả lời tòa, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng “mọi quy kết trong cáo trạng như thế nào bị cáo đều thấy đúng và tôn trọng”.
Nhóm thuộc cấp thân tín của ông, gồm các bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC); Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS); Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC) cho hay, đều thực hiện theo chỉ đạo của ông Quyết.
Dù khoản tiền thu về từ hành vi lừa đảo nâng khống vốn điều lệ công ty và thao túng thị trường chứng khoán lên tới hơn 4.300 tỷ đồng, song cả ba đều quả quyết không được hưởng lợi ích, chỉ làm công ăn lương, làm vì muốn góp sức phát triển doanh nghiệp, vì hàng ngàn nhân sự tin tưởng đi theo...
Vụ án FLC là sai phạm có hệ thống
Tương tự, với 7 bị cáo là các cựu lãnh đạo thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ; Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE); Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, khi khai báo đều thừa nhận đã “chỉ đạo nhân viên làm nhanh", “làm theo chỉ đạo của cấp trên”.
Cá nhân bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HOSE) cho biết, sai phạm trong vụ án là hệ thống, từ Kiểm toán… tới Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch HOSE mong thời gian tới có những chấn chỉnh để thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, ông kiến nghị một số nội dung để hoàn thiện cơ chế chính sách, để những người làm chứng khoán đi sau ông có thể yên tâm.
Theo đó, ông Sinh kiến nghị Luật Doanh nghiệp cần xem xét lại vấn đề quản lý vốn điều lệ doanh nghiệp; cho phép Sở giao dịch chứng khoán có thể thuê một công ty kiểm toán khi cảm thấy nghi ngờ; thắt chặt hoạt động của các công ty kiểm toán, có hành lang pháp lý chặt chẽ để họ không vi phạm.
Còn ông Lê Hải Trà (cựu Tổng giám đốc HOSE) cũng nêu những trăn trở về hành lang pháp lý hiện hành trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng phức tạp. Vụ án xảy ra khiến ông xót xa, hối tiếc; sai phạm đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM - nơi ông dày công xây dựng hơn 20 năm qua.
Cựu Tổng giám đốc HOSE mong những bất cập còn tồn tại trong thị trường chứng khoán sẽ sớm được hoàn thiện để người quản lý vận hành thị trường sau này giảm thiểu rủi ro không đáng có.
Nêu quan điểm luận tội, Viện kiểm sát cáo buộc, ông Trịnh Văn Quyết thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC từ 2009, đến 2020, hệ sinh thái FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết và có 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Quá trình vận hành doanh nghiệp, ông Quyết chỉ đạo bị thuộc cấp tăng “khống” vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhóm cựu lãnh đạo HOSE là Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng, do có quan hệ với ông Quyết nên “giúp sức” bằng cách "làm nhanh hồ sơ niêm yết".
Các bị cáo thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, gồm: Lê Công Điền, Dương Văn Thanh, Phạm Trung Minh, biết rõ chưa đủ cơ sở xác định vốn của Faros là 4.300 tỷ đồng nhưng vẫn chấp thuận đăng ký cổ phiếu ROS.
Sự "móc nối" của các bị cáo khiến nhà đầu tư chứng khoán lầm tưởng cổ phiếu ROS có giá trị thật. Từ đó, ông Quyết bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng.
Ở tội "Thao túng thị trường chứng khoán", bên công tố xác định, Chủ tịch FLC chỉ đạo thuộc cấp mượn giấy tờ của 45 người khác đứng tên 20 doanh nghiệp, mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC. 5 mã cổ phiếu này liên tục được nhóm ông Quyết mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào lúc mở cửa và đóng cửa phiên giao dịch. Hành vi này giúp ông Quyết thu lợi 723 tỷ đồng.
Cũng tại phần luận tội, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX phạt ông Trịnh Văn Quyết 24 – 26 năm tù cho hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán”. Cùng hai nhóm tội trên, các bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị 17 - 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga tổng hợp 10 - 12 năm tù; Hương Trần Kiều Dung tổng hợp 11 - 13 năm tù.
Gần 40 bị cáo là cựu thuộc cấp của ông Quyết người bị đề nghị nhẹ nhất từ 18 tháng tù đến 16 năm tù giam.
Nhóm 7 cựu cán bộ ngành chứng khoán bị đề nghị các mức án từ 18 tháng tù đến 9 năm tù về một trong hai tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "Công bố thông tin sai lệch hoạch che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".