Chiêu thổi giá thiết bị giáo dục tại Hà Tĩnh

PV | 19/02/2023, 12:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có những thiết bị giáo dục nhập khẩu giá 7 triệu đồng/máy nhưng đã được các đơn vị trúng thầu thổi giá bán cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh với giá 35 triệu đồng/máy.

Chênh lệch giá hơn 60 tỷ đồng

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh trong giai đoạn 2017-2019.

Trước đó, tại kết luận Thanh tra số 320/KL-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, chiêu trò để đẩy giá thiết bị cao lên gấp nhiều lần so với giá trị nhập khẩu.

Với những thủ đoạn mua đi bán lại qua khâu trung gian, các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục đã bị “thổi giá” cao bất thường, làm chênh lệch lên đến hơn 60 tỷ đồng. Cụ thể trong giai đoạn 2017-2019, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học nằm trong đề án 1436 với tổng giá trị hợp đồng là hơn 250 tỷ đồng.

Trong đó mua sắm tập trung 15 gói thầu, còn 2 gói do Sở GD&ĐT tự mua. Tổng số thiết bị đã mua sắm là 21.957 thiết bị, phụ kiện như: máy chiếu, máy tính xách tay, máy tính để bàn, đồ chơi ngoài trời…

Lật tẩy chiêu thổi giá thiết bị giáo dục tại Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Trụ sở Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nơi xảy ra sai phạm trong hàng loạt gói thầu thiết bị giáo dục.

Riêng Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng đã trúng 6/17 gói thầu với tổng giá trị hợp đồng là hơn 99 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại Hồng Hà trúng 5/17 gói, tổng giá trị hơn 47 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vạn Xuân trúng 2 gói thầu, tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng…

Nhưng qua kiểm tra, trong các gói thầu đã có sự tráo đổi phụ lục, hồ sơ, giá thiết bị bị "thổi giá" cao lên bất thường. Điều này được thể hiện tại gói thầu TB 04.2018 mua 634 máy chiếu đa năng do Công ty cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T trúng thầu. Các sản phẩm trước khi bán cho Sở GD&ĐT, đã được nâng giá lên gấp 3-4 lần bằng cách mua đi bán lại qua nhiều đơn vị trung gian.

Cụ thể, ở lô hàng thứ nhất gồm 464 máy chiếu đa năng NEC NP-MC371 XG kèm thiết bị tương tác và phần mềm hỗ trợ giảng dạy NOVI Elearning được Công ty CP Đầu tư P&T nhập khẩu hơn 9 triệu đồng/máy. Lô hàng này sau đó bán lại cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Lê Hoàng với giá 17.300.000 đồng/máy. Công ty cổ phần Thương mại Hồng Hà tiếp tục mua lại với giá 20.760.000 đồng/máy.

Đến cuối cùng Công ty cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T (liên doanh trúng thầu) đã bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh giá 35.000.000 đồng/máy. Với 464 bộ kết luận thanh tra xác định mức chênh lệch giá mua vào và bán ra của mặt hàng này là hơn 8 tỷ đồng.

Tráo đổi phụ lục, lắp đặt sai thiết kế

Tương tự lô hàng thứ 2 cũng được đơn vị trúng thầu “làm xiếc” khi 170 bộ máy chiếu đa năng kèm thiết bị tương tác NEC NP-MC371 XG nhập vào 8.800.000 đồng/máy, sau nhiều lần mua bán cho các công ty, cuối cùng bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh với giá 30.500.000 đồng/máy. Lô hàng này chênh lệch hơn 2,4 tỷ đồng so với giá ban đầu.

Không những vậy, tại gói thầu TB 03.2017 mua 729 máy chiếu đa năng tích hợp tính năng tương tác HPEC HC-3356XL, số thiết bị này được đơn vị trúng thầu mua đi bán lại qua nhiều công ty. Máy được nhập vào vào với giá là 6.820.000 đồng/máy, nhưng bán cho Sở GD&ĐT 30.450.000 đồng/máy. Với chiêu trò này đã làm chênh lệch giá nhập khẩu và giá bán lên đến gần 12 tỷ đồng.

Lật tẩy chiêu thổi giá thiết bị giáo dục tại Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng đã trúng 6/17 gói thầu với tổng giá trị hợp đồng là hơn 99 tỷ đồng.

Cũng thủ đoạn mua đi bán lại, tại gói thầu TB10.2019, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh mua 668 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI. Giá nhập khẩu hơn 7 triệu đồng/máy, liên danh trúng thầu là Công ty Cổ phần công nghệ Lam Hồng, Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam và Công ty cổ phần Bảo Toàn đã bán lại cho Sở GD&ĐT với mức giá gần 35 triệu đồng/máy. So sánh giá nhập khẩu và giá bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, số tiền chênh lệch lên đến gần 14 tỷ đồng.

Ngoài “thổi giá” thiết bị, tại kết luận thanh tra cũng điểm mặt những thiết bị giáo dục bị đơn vị trúng thầu tráo đổi phụ lục, lắp đặt sai thiết kế, dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao, gây thất thoát tiền của Nhà nước.

Như Công ty TNHH Phát triển Hương Việt trúng 2 gói thầu cung cấp phần mềm. Một gói được Sở GD&ĐT mua trực tiếp và gói thầu mua sắm tập trung, tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên gói thầu TB 15.2019 ký thoả thuận khung không đúng yêu cầu kỹ thuật theo hồ sơ mời thầu, hiệu quả sử dụng phần mềm không cao.

Ngoài ra Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và đồ chơi Phương Anh trúng 3 gói thầu cung cấp thiết bị ngoài trời. Song có 350 bộ cầu thang lắp đặt không đúng thiết kế, thi công không đảm bảo đúng quy cách. Quá trình thanh tra phát hiện sai phạm đã yêu cầu doanh nghiệp thay thế lại 350 bộ cầu thang, thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng. Gói thầu mua sắm 132 máy chiếu đa năng của Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng trúng thầu cũng thiếu phần mềm so với tài sản được thẩm định giá.

Liên quan đến những sai phạm trong các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành họp kiểm điểm bà Đặng Thị Quỳnh Diệp – Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Trần Trung Dũng – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Nguyễn Xuân Trường – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; bà Nguyễn Thị Hải Lý – nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.

Được biết, hiện vụ án này đã được đưa vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh. Công an Hà Tĩnh đang làm rõ hành vi sai phạm, trách nhiệm của những người liên quan, để đưa ra hình thức xử lý phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiêu thổi giá thiết bị giáo dục tại Hà Tĩnh