Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Kỳ Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức B (TP Hà Nội) cho hay, năm học 2023 - 2024, học sinh lớp 12 học chương trình cũ, lớp 10 và 11 học theo Chương trình GDPT 2018. Khối 12 phải học 13 môn học và sinh hoạt tập thể, thời lượng 30 tiết/tuần; học từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi buổi 5 tiết. Còn khối 10, 11 học 28 tiết/tuần cùng tiết hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Như vậy, 1 tuần các em học từ thứ 2 đến thứ 7, trong đó có 2 buổi 4 tiết, còn lại là 5 tiết.
Tương tự, thầy Hoàng Chí Sỹ – Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) khẳng định, cố dồn tiết trong thời khóa biểu từ thứ 2 đến thứ 6 để được nghỉ ngày thứ 7 là không khả thi.
Nếu mỗi buổi 6 tiết, nghĩa là hơn 12 giờ mới tan học, học sinh sẽ mệt mỏi. Hoặc mỗi tuần học thêm một buổi chiều cũng không phải là phương án thuận lợi nếu không nói là làm cả thầy lẫn trò áp lực hơn. Học ngày thứ 7 đã thành nếp, vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, vừa thực hiện khung chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành.
Từ thực tế triển khai tại đơn vị, cô Văn Quỳnh Giao – Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết, tùy mỗi trường mà có thể sắp xếp cho học sinh nghỉ thứ 7, nhất là cấp THCS. Do học 2 buổi, ăn bán trú, nên với học sinh THCS, trường vẫn đảm bảo số tiết dạy theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra. Điều này cũng giúp thầy, trò giảm áp lực, có thêm thời gian cho gia đình.
“Mặt khác, điểm thuận lợi của trường tư thục là thời gian bắt đầu năm học cho học sinh từ tháng 8, thay vì tháng 9 như các trường công lập. Do đó, trường hợp cho học sinh THCS nghỉ thứ 7 thì tổng số tiết dạy vẫn nằm trong khung chương trình. Tuy nhiên, với học sinh THPT cần cân nhắc kỹ. Bởi nếu nghỉ thứ 7, các em sẽ mất 4 tiết trong khi khối lượng kiến thức, bài tập nặng và nhiều hơn so với tiểu học và THCS”, cô Quỳnh Giao trao đổi.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam chia sẻ, để giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT quy định tổng số tiết dạy/tuần để nhà trường thực hiện. Nếu co lại thời khóa biểu để học sinh nghỉ thứ 7, giáo viên các bộ môn phải tính toán và cơ cấu lại thời lượng, tiết dạy mỗi môn.
“Bản thân ủng hộ phương án cho học sinh THPT học ngày thứ 7. Các em cần được phát triển kỹ năng vốn có của mình. Ngày nghỉ, trẻ có thể tham gia hoạt động trải nghiệm theo sở thích, định hướng nghề nghiệp chứ không chỉ là học văn hóa trên lớp. Các em cần được phát huy những khả năng tiềm ẩn, phù hợp với nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Mỗi nhà trường cần tính toán kỹ các phương án phù hợp với khung của Bộ chứ không phải muốn là được”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Nhấn mạnh vai trò của việc duy trì nhịp học cho học sinh, cô Cao Tố Nga – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP Hải Phòng) nhìn nhận, nếu cấp trên cho phép học sinh THPT nghỉ thứ 7 thì các trường phải dồn tiết chính khóa sang cả buổi chiều hoặc tăng tiết buổi sáng lên từ 5 - 6 tiết. Vì vậy, đề xuất này tưởng chừng giúp giảm tải nhưng thực tế là tăng tải khiến các em thêm áp lực.