Đồng thời, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa khẳng định: “Công nghệ thông tin và truyền thông đang là xu hướng tất yếu trong 10 năm vừa qua và sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm sắp tới”.
Niềm tin của xã hội và sự sẵn sàng của các trường đại học
Các con số ấn tượng trong công tác tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông không chỉ khẳng định xu thế chọn ngành nghề mới, những con số này đồng thời cho thấy niềm tin của phụ huynh, học sinh vào các ngành nghề đào tạo các trường đại học thay vì lựa chọn hướng đi làm việc ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông như nhiều năm trước đây. Mặc dù, để tạo được niềm tin đối với người học là không dễ dàng.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa một lần nữa nhấn mạnh về quá trình xây dựng thương hiệu của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, dù mới chính thức được Thủ tướng Chính phủ kí quyết định thành lập trường đại học được 11 năm (từ năm 2011) nhưng Nhà trường đã trải qua 10 năm chuẩn bị (từ năm 2001) các điều kiện để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Nhà trường đã thành công với quan điểm là đào tạo thực tế, đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với doanh nghiệp để kí hợp đồng tuyển dụng ngay sinh viên đang học, tạo cơ hội và định hướng việc làm từ sớm, giúp sinh viên không lãng phí thời gian học những thứ không cần thiết. Chính nhờ quan điểm rất thực tế như vậy, nhiều sinh viên ra trường đã có việc làm với mức lương rất cao, đây chính là những “minh chứng sống” khẳng định và bồi đắp niềm tin trong xã hội.
Với định hướng chiến lược đúng đắn, tầm nhìn dài hạn, sự chuẩn bị kĩ lưỡng về chương trình đào tạo của Nhà trường có thể nói học sinh các trường trung học phổ thông có thể hoàn toàn yên tâm tìm hiểu, lựa chọn kĩ về ngành nghề để đảm bảo phù hợp với xu hướng của thời cuộc, năng lực của bản thân, từ đó dễ dàng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.