Chọn giáo viên tâm huyết đứng các lớp xoá mù chữ

12/12/2023, 13:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo thầy Hoàng Văn Cường, nhiều học viên sau khi tham gia lớp xoá mù chữ biết đọc, viết, tính toán cơ bản, họ rất phấn khởi, vui mừng.

Học viên lớn nhất là 51 tuổi

Trường Tiểu học và THCS 3 An Sơn nằm ở xã miền núi An Sơn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số Nùng và Tày.

Theo đó, để vận động người chưa biết chữ tham gia học lớp xoá mù chữ, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã, các tổ chức đoàn thể điều tra, rà soát người dân mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đồng thời lập danh sách người dân cần học xóa mù chữ mức độ I.

Thầy Hoàng Văn Cường cho biết: “Sau khi đã có số liệu người chưa biết chữ, nhà trường phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng trực tiếp đến nhà để gặp gỡ trao đổi với họ đồng thời vận động tham gia lớp học xoá mù chữ.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã kết hợp với già làng, trưởng thôn thường xuyên tuyên truyền mục đích mở lớp học xóa mù chữ, phân tích lợi ích của việc biết chữ cho người dân hiểu”.

Được biết, Trường Tiểu học và THCS 3 An Sơn đang giảng dạy 1 lớp xoá mù chữ mức độ I với 10 học viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng. Học viên lớn tuổi nhất là 54 tuổi, người ít tuổi nhất 31 tuổi.

“Do đang trong tuổi lao động, chúng tôi linh hoạt thời khoá biểu để học viên có thể tham gia các buổi học đầy đủ. Những học viên nào chưa hiểu hoặc gặp khó khăn trong quá trình học, nhà trường và giáo viên đứng lớp sẽ tìm cách hỗ trợ để học viên hoàn thành được chương trình học. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên đứng lớp thường xuyên trao đổi, động viên học viên đến lớp chuyên cần”, thầy Cường cho biết.

Học viên tham gia lớp xoá mù chữ.
Học viên tham gia lớp xoá mù chữ.

Những thách thức phải đối mặt

Luôn chú trọng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để học viên lớp xoá mù chữ được học tập thuận lợi, nhưng Trường Tiểu học và THCS 3 An Sơn cũng phải đối mặt với một khó khăn như học viên lớn tuổi còn ngại ra lớp học, nhiều học viên đang là lao động chính của gia đình nên không có nhiều thời gian theo học.

Bên cạnh đó, lớp học thiếu bàn ghế, bảng viết, một số học viên chưa hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa của việc biết chữ rất khó khăn trong việc vận động ra lớp. Chưa kể có học viên nhà ở xa (13km) đường đi lại khó khăn.

Để khắc phục những trở ngại trên, nhà trường đã tham mưu với chính quyền địa phương cho mở lớp tại nhà văn hoá thôn Quang Bí (đây là địa điểm trung tâm gần với các học viên). Mượn bảng viết của của văn hóa xã, bàn ghế của thôn, sách giáo khoa của học sinh lớp 1, 2, 3 cho học viên có đủ điều kiện học tập.

Thầy Hoàng Văn Cường cho biết thêm: "Với những đặc thù trên, chúng tôi đặc biệt lưu ý chọn người đứng lớp giảng dạy lớp xoá mù chữ. Theo đó, nhà trường đã phối hợp với Ban giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã để chọn các giáo viên có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm lâu năm để tham gia dạy lớp xóa mù chữ. Khuyến khích các cô giáo người địa phương ở hai bậc mầm non và tiểu học tham gia giảng dạy".

Phương pháp giảng dạy linh hoạt, áp dụng kiến thức thực tiễn vào các tiết học để tạo sự hứng tạo hứng thú cho học viên khi đến lớp. Nhờ vậy mà, nhiều học viên sau khi biết chữ rất vui mừng, phấn khởi, tự hào vì bản thân đã có sự nỗ lực, cố gắng. Học viên tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, xóa bỏ mặc cảm tự ti về bản thân.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 98,55%, và mức độ 2 là 96,70% trong độ tuổi từ 15-60 của cả nước. So với chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 thì tỷ lệ biết chữ vượt 0,15%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chọn giáo viên tâm huyết đứng các lớp xoá mù chữ