ThS Nguyễn Đức Bình nhìn nhận, tâm lý sính bằng cấp đã giảm đáng kể. Học sinh bây giờ thực tế hơn nên việc lựa chọn học cao đẳng, trung cấp trở thành xu thế. Đây là tín hiệu đáng mừng và cho thấy nhận thức xã hội của thí sinh, phụ huynh đã thay đổi. Vì thế, công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp trong những năm gần đây phát triển mạnh và có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Quan sát 5 năm trở lại đây, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận thấy, một số lĩnh vực như: Cơ điện tử, công nghệ thông tin…, sinh viên ra trường thường có việc làm ngay; thậm chí nhiều em còn tìm được việc làm từ khi học năm thứ 3…
Chia sẻ về một số ngành nghề có triển vọng trong giai đoạn 2020 - 2030, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức “điểm danh” top 5 ngành nghề, gồm: Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo (AI); Truyền thông – Marketing; Các ngành khối Sức khỏe (Y - Dược); Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới.
Trong tương lai, nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và có ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Do đó, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, thí sinh cần biết định hướng nghề nghiệp, hướng đến thị trường lao động trong 5 - 7 năm tới. Trong tương lai, yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng thay đổi. Sự khéo léo, cần cù, bền bỉ sẽ không phải là yếu tố quyết định để các em được lựa chọn, mà đó có thể là yêu cầu về năng lực thích ứng, tư duy phản biện. Bên cạnh đó, yếu tố IQ vẫn rất quan trọng nhưng EQ ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Theo TS Phạm Như Nghệ, việc chọn ngành, chọn trường của thí sinh cũng bị ảnh hưởng bởi xu thế chung, trong đó có xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cần nhiều nguồn nhân lực. Cùng với đó, khối ASEAN đã thống nhất trao đổi về nhân lực, các ngành trong khối công nghệ, kỹ thuật và một số ngành nghề có nhu cầu xuất khẩu lao động lớn như điều dưỡng… Đó là những ngành, nghề, lĩnh vực mà thí sinh quan tâm và có xu hướng lựa chọn nhiều hơn trong những năm gần đây.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, thí sinh cần lựa chọn ngành nghề theo năng lực. Trong môi trường đại học, các em không chỉ học kiến thức mà còn được trang bị kỹ năng và phương pháp luận. Tuy nhiên, học đại học là yếu tố nền tảng, hành trang; điều quan trọng, các em cần nỗ lực không ngừng trong công việc cũng như cuộc sống.